Sáng 15-11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai Quyết định số 28 của Thủ tướng về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Đừng lấy lý do hồ sơ mật làm rào cản
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đánh giá việc gửi, nhận liên thông văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả này góp phần làm giảm chi phí và thời gian, nhằm hướng đến nền quản trị hành chính hiện đại, thông minh và không giấy tờ.
Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt như chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số. Cùng đó là tỉ lệ sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử tại một số đơn vị còn hạn chế… dẫn đến việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số chưa đồng bộ và thống nhất.
Đặc biệt, việc phát hành văn bản điện tử, hồ sơ điện tử rất ít. “Chúng ta đừng đặt vấn đề là do cơ quan nhiều hồ sơ mật. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến những văn bản, hồ sơ không mật. Đừng lấy lý do hồ sơ mật để nói là rào cản để chúng ta không ứng dụng điện tử” – ông Dũng nói và đề nghị cán bộ các cấp thay đổi nhận thức, đừng lấy lý do đó để gây rào cản cho việc cải cách.
Ông Mai Tiến Dũng đề nghị sau hội nghị này các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện gửi, nhận văn bản bốn cấp và ký số, không thực hiện việc gửi điện tử kèm theo văn bản giấy. “Một năm thử nghiệm đủ rồi, giờ phải chấm dứt dùng văn bản giấy, phải làm quyết liệt, hiệu quả, đích thực, thay đổi tư duy, cách làm” – ông Dũng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Đừng lấy lý do hồ sơ mật để nói là rào cản để chúng ta không ứng dụng điện tử”. Ảnh: VGP
Phải thay đổi thói quen
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay sắp tới các cơ quan vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo về giá trị pháp lý cho các văn bản điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cải thiện việc lưu trữ điện tử và đặc biệt là phải thay đổi thói quen, phương thức xử lý văn bản trên môi trường mạng của cán bộ, công chức.
Triển khai Quyết định số 28, từ ngày 12-3 đến nay, tất cả 95 cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành hai cấp chính quyền thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó có hơn 230.000 văn bản điện tử gửi và hơn 627.000 văn bản điện tử nhận từ các cơ quan thông qua trục này. |
“Nếu các cơ quan hành chính nhà nước làm không tốt thì chúng ta không thể đảm bảo các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp được” – ông Dũng nói và cho rằng đang đi đúng hướng và đã thay đổi nhận thức rất lớn đối với lãnh đạo và cán bộ thực thi ở các bộ, ngành và địa phương. Tư duy và cách tiếp cận cũng đã được thay đổi theo hướng minh bạch, công khai, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến nền tảng hạ tầng, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các nhà mạng, các doanh nghiệp tư nhân giỏi giúp cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng nền tảng hạ tầng trên cơ sở xã hội hóa. Ông Dũng cũng đề nghị chuyển từ phương thức mua đầu tư lập dự án sang thuê các dịch vụ của các nhà mạng có đầy đủ năng lực, trách nhiệm trong vấn đề thiết kế quy trình, kỹ thuật và an toàn hệ thống. “Tại hội nghị lần trước có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói với tôi là bây giờ mua một cái iPad rất khó. Tôi mới nói rằng sao không thuê một cái iPad” – ông Dũng ví von.
TP.HCM: Đa số văn bản điện tử gửi, nhận đều sử dụng chữ ký sốTrước đó, ở đầu cầu TP.HCM, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết thực hiện Quyết định số 28, TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử bốn cấp.Theo ông Tuyến, hiện nay TP đã tiến hành cập nhật mã định danh của các đơn vị trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP (LGSP) và phần mềm quản lý văn bản – hồ sơ công việc tại các đơn vị. Từ đầu năm đến nay, TP đã thực hiện gửi, nhận trên 1 triệu văn bản điện tử. “Đa số các văn bản điện tử được gửi, nhận đều sử dụng chữ ký số chuyên dùng” – ông Tuyến nói và cho biết thêm vào đầu quý I-2020, TP sẽ ứng dụng chữ ký số đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh. |
TÁ LÂM