Bộ GDĐT tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

Ngày 8/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn, Ngô Thị Minh; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ GDĐT. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị

Nhiều kết quả nổi bật trong một năm “khó khăn”

Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2020, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT Trần Quang Nam cho biết: Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt, nhưng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Bộ GDĐT, nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Bộ GDĐT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Năm 2020, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ số văn bản nhiều gấp đôi con số được giao (24 văn bản); 71 văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng đã được ban hành. 47/50 nhiệm vụ Bộ GDĐT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, có thời hạn xử lý trước ngày 31/12/2020, đã được hoàn thành. Các nhiệm vụ khác theo kế hoạch của Bộ cũng được hoàn tất với tỷ lệ 98%.

Một số kết quả nổi bật về giáo dục đào tạo trong năm 2020, như hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. An toàn của học sinh, sinh viên được bảo đảm, nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ; không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải.

Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch… Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 được tổ chức thành công.

Một trong những kết quả nổi bật khác là chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS được duy trì và nâng cao. Ngành Giáo dục đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường.

Năm 2020, toàn ngành Giáo dục đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên cơ sở vật chất, sách giáo khoa để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình Quốc hội quy định. Chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) được nâng lên; được Chính phủ, Quốc hội, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đoàn học sinh Việt Nam vẫn tham dự Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế theo hình thức trực tuyến và đạt thành tích đặc biệt xuất sắc. 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt đoạt giải, trong đó có 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Đội tuyển Hóa học có 4/4 thí sinh đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ; đội tuyển Toán học có 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó lần đầu tiên học sinh lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng và đứng thứ 4 thế giới.

Tự chủ đại học trong năm qua cũng được đẩy mạnh, tạo đột phá về quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, là kết quả nổi bật của ngành GDĐT năm vừa qua.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, năm 2020 công tác quản lý nhà nước của Bộ GDĐT vẫn còn những hạn chế khi để xảy ra một số tiêu cực, bất cập ở các cấp học. Còn khó khăn, bất cập liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.

Giáo dục năm 2021: “Đoàn kết kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm cho năm tới; trong đó, đồng thuận khẳng định, năm 2020, Bộ GDĐT, ngành Giáo dục đã nỗ lực, quyết tâm, cộng đồng trách nhiệm và đạt nhiều thành quả tích cực, dù phải đối mặt với liên tiếp thách thức, khó khăn do dịch Covid-19 và bão lũ gây ra.

Năm 2021, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GDĐT. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, đúng lộ trình.

Tổ chức thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 với trọng tâm là chỉ đạo hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, đảm bảo Hội đồng trường hoạt động hiệu quả, thực quyền. Tiếp tục khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm như công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2021 ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dạy, người học khi dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp trên thế giới; vừa hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ năm học. Phương châm của năm là “đoàn kết kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”, theo đúng chủ đề mà lãnh đạo Chính phủ đã đề ra.

3 trục nhiệm vụ quan trọng sẽ được tập trung thực hiện hiệu quả là: triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; tăng cường tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên và đảm bảo an toàn trường học.

Công tác thanh tra, kiểm tra; chuyển đổi số trong GDĐT… cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh cần thực hiện bài bản, quyết liệt trong năm 2021. Các nhiệm vụ liên quan đến chính sách sẽ được tổng kết, đánh giá tác động kịp thời để có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị từ cấp Bộ, cấp Sở GDĐT đến từng cơ sở giáo dục đại học, phổ thông, mầm non phải đổi mới công tác quản trị, tăng cường tự chủ để từng tập thể, cá nhân được phát huy tốt nhất năng lực, trách nhiệm, đóng góp chung cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục – Bộ Giáo dục & Đào tạo