Kỳ thi THPT Quốc gia và Tuyển sinh Đại học 2020: Bộn bề lo lắng

(PLVN) – Chỉ còn 6 tháng nữa, thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT, sau đó là kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2020. Tuy nhiên, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến không công bố đề thi minh họa khiến nhiều thí sinh hụt hẫng, bởi thầy trò đều mong đợi để ôn thi…

Nhiều thí sinh lo lắng do kỳ thi năm nay không có đề thi minh họa.

Độ khó có ngang nhau?

Việc công bố đề thi minh họa sẽ giúp giáo viên và học sinh có thể làm quen với cấu trúc đề, tránh bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. Đề thi THPT quốc gia 2019 có nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần nhỏ chương trình lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hóa khi các trường xét tuyển vào ĐH, học viện.

Thời điểm này, phần lớn học sinh đang thi học kỳ 1, các  trường đã tập dượt cho thí sinh thi chia phòng như kỳ thi THPT quốc gia. Trên một số diễn đàn dành cho thí sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, chủ đề “Không công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm nay”, nhiều ý kiến cho rằng, tại sao các năm đều có, năm nay lại không?

Bên cạnh đó, thí sinh tự giải đề tham khảo và so sánh đáp án cũng phần nào biết được khả năng của mình đến đâu để có kế hoạch ôn tập hiệu quả. Bởi đề thi qua các năm đều khác nhau và có yếu tố bất ngờ.

Đó là những câu hỏi thuộc phạm vi mà thí sinh ít ôn tập tới của lớp 10, 11. Bởi vậy, nếu không có đề minh họa, thầy trò sẽ phải ôn tập kỹ hơn, nhất là nội dung lớp 11, bởi năm 2019 ra khá nhiều câu liên quan. Mặc dù thực tế, đề thi minh họa không hoàn toàn giống đề thi thật.

Đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm). Riêng bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ. Độ phân hóa kiến thức khoảng 90% là thuộc về lớp 12, phần còn lại sẽ thuộc về phạm vi lớp 11.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ không xây dựng và công bố đề thi minh họa cho kỳ thi quốc gia năm 2020. Bởi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cơ bản được giữ ổn định như năm 2019.

Do đó, thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề thi minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để biết cách thức ra đề và có hướng ôn thi phù hợp. Đồng thời, năm 2020 chưa thực hiện thí điểm việc thi trên máy tính đối với kỳ thi THPT quốc gia. 

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn có 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Trong đó, chỉ có bài thi môn Ngữ văn các thí sinh thi theo hình thức tự luận, các môn khác theo hình thức trắc nghiệm cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, theo lộ trình năm vừa rồi thì nội dung đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia sẽ có trong chương trình lớp 10. Nhưng riêng môn Lịch sử năm ngoái bản đề thi minh hoạ và đề thi không có nội dung chương trình lớp 10. Chưa kể, chuyện “vênh” nhau giữa đề thi minh họa và đề chính thức đã xảy ra.

Cùng với đó, những lo lắng khác như liệu năm nay có thi vào kiến thức lớp 11 hay không vì đa số đề các môn năm trước có 90% kiến thức lớp 12, 10% lớp 11, còn đề thi Ngữ văn năm trước nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12.

Việc xây dựng ngân hàng đề thi ở các môn thi trắc nghiệm dù đã được triển khai từ khi kỳ thi THPT quốc gia áp dụng phương án thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, qua từng năm với mức độ đề khó, dễ khác nhau khiến dư luận chưa thực sự an tâm về nội dung và chất lượng đề thi.

Có những năm kết quả thi với “cơn mưa điểm 10” khiến điểm xét tuyển vào các trường ĐH cao chót vót, thậm chí có thí sinh đạt tới 30 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên) vẫn trượt ĐH… Ngược lại, có năm đề thi lại quá khó khiến phổ điểm thi cũng thấp thảm hại, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường ĐH.

Thi nhiều đợt – lo lắng không công bằng

Theo Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thí sinh sẽ được thi thành nhiều đợt trong năm. Hình thức thi này trên thực tế đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và là xu hướng tất yếu để giảm áp lực cho các kỳ thi, thí sinh và phụ huynh bớt căng thẳng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo độ khó giữa các đề thi và các đợt thi là tương đương?

Theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm của các quốc gia, cần thiết phải áp dụng kỹ thuật để so sánh độ khó trong các lần thi. Đó phải là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng hình thức thi nhiều lần trong năm. Bởi nếu không dùng kỹ thuật này thì dù có cố gắng làm đề chuẩn đến mấy, mỗi lần vẫn có một độ khó khác nhau và điều đó tạo ra sự không công bằng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, kiến thức của hầu hết các môn đều có tính hệ thống ở các lớp học từ dưới lên nên dù nội dung thi có rơi vào một phần lớp 10 thì cũng không làm khó được việc dạy và học của thầy và trò. Chỉ duy nhất có môn Ngữ văn thì theo đề thi minh họa và đề thi chính thức năm 2019, phần ngữ liệu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12.

Một phần câu hỏi khác là kiến thức liên hệ thực tế nên không ảnh hưởng gì đến việc ôn tập của học sinh. Ngoài học kiến thức trên lớp cần cập nhật các thông tin thời sự khác, các vấn đề nổi cộm được xã hội quan tâm… mới có thể đạt điểm tốt ở môn Ngữ văn cũng như các bài thi khoa học xã hội.

Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, Bộ GD&ĐT đang tính toán để thí điểm việc này từ kỳ thi năm 2021 ở những nơi sẵn sàng về điều kiện và học sinh tự nguyện tham gia thi trên máy tính. Đây là điểm mới được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế được việc gian lận trong thi cử do thí sinh sẽ biết điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi.

Đồng thời đây là phương án thi đã được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng. Ngay như kỳ thi PISA vừa qua, Việt Nam cũng chưa có tên trong bảng so sánh với các nước. Một trong các lý do là vì Việt Nam làm bài thi trên giấy, kết quả có khác biệt so với các nước làm bài thi trên máy tính và cả các nước làm bài thi trên giấy khác.

Thế nhưng, đó chỉ là đổi mới về hình thức thi còn trên thực tế, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về việc có cần tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia khi mà hơn 90% đều đỗ tốt nghiệp? 

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung đã chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới thúc đẩy tự chủ trong các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có việc tuyển sinh. Các trường dần tiến tới việc tổ chức kỳ thi riêng hoặc các phương án tuyển sinh khác nhau để tuyển được những sinh viên phù hợp nhất với chương trình đào tạo của mình.

Chẳng hạn, đến thời điểm này đã có hơn 40 trường ĐH dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh một phần. Và thực tế, chỉ khi nào kỳ thi THPT quốc gia không còn “gánh” nhiệm vụ xét tuyển ĐH,  CĐ thì có lẽ sẽ không cần đặt ra câu hỏi có cần tổ chức kỳ thi này nữa không? 

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội):  

“Như mọi năm, các giáo viên của Trường thường dựa vào đề thi minh họa để phân tích, dự đoán xu hướng ra đề thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa, các trường cần đẩy mạnh hơn việc vừa học, vừa ôn tập, cùng học sinh hệ thống lại toàn bộ các mảng kiến thức trọng tâm từ lớp 10, đặc biệt là lớp 12.

Các trường nên chủ động lên kế hoạch đảm bảo học sinh học đâu chắc đấy, không để dồn kiến thức vào một thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời với việc tổ chức các kỳ thi thử, luyện đề, giúp các em có phản xạ tốt hơn với các loại đề. Trường nào tổ chức được nhiều kỳ thi thử, cho thấy phổ điểm các em dành được trong kỳ thi thật sẽ cao hơn nhiều”.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

“Cần đặc biệt chú trọng công tác nhân sự bởi mọi hệ thống máy móc, quy trình có chặt chẽ đến đâu thì mấu chốt vẫn nằm ở người thực hiện. Lựa chọn cẩn trọng và tập huấn bồi dưỡng nghiêm túc cũng như căn cứ vào quy chế thi THPT quốc gia và các văn bản có liên quan để xử phạt nghiêm minh những người có hành vi gian dối, nhất là trong người trong ngành Giáo dục để làm gương thì chắc chắn sẽ ngăn ngừa được sai phạm có thể xảy ra”. 

Uyên Na