Lãnh đạo trường công sang làm trường tư: Buồn vui lẫn lộn

GD&TĐ – Thời gian qua, nhiều lãnh đạo trường công lập sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, nghỉ hưu được mời về làm lãnh đạo các cơ sở giáo dục tư thục. Bên cạnh những hiệu trưởng gắn bó lâu dài với chủ đầu tư cũng có người nửa chừng phải dứt áo ra đi. Họ lãnh đạo trường tư như thế nào và áp lực ra sao?

PGS.TS Thái Bá Cần phát biểu tại một sự kiện của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: IT

Hai thế giới khác biệt

Sau khi rời ghế Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, năm 2013, PGS.TS Thái Bá Cần về đầu quân cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng với vị trí ban đầu là Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và hiện đảm nhiệm vị trí Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen. Nói về sự tương quan giữa hiệu trưởng trường công và trường tư, PGS.TS Thái Bá Cần cho rằng: Cả hai đều là người được tìm kiếm để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo và đưa trường phát triển.

Tuy nhiên, PGS.TS Thái Bá Cần nhấn mạnh: Ở trường công, ông chủ là người vô hình, bởi người ta điều khiển trường bằng văn bản, chứ không có một bộ trưởng nào xuất hiện bắt trường làm thế này thế kia… và hiệu trưởng trường công tuyệt đối hoạt động theo văn bản ấy. Nếu làm sai không chỉ chịu trách nhiệm về cá nhân mà chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan chức năng… do đó áp lực của hiệu trưởng trường công là làm đúng các văn bản quy định chứ không phải áp lực của một ông chủ nào trực tiếp.

Đối với hiệu trưởng trường tư, người chủ hữu hình là chủ đầu tư, hội đồng quản trị. Do đó, ngoài công việc chuyên môn theo quy định, nhà đầu tư sẽ là người phê duyệt các khoản tài chính, chiến lược phát triển trường… “Nghĩa là nhà đầu tư có quyền can thiệp trực tiếp vào công việc của hiệu trưởng. Như vậy, áp lực về chịu trách nhiệm trước pháp luật và làm theo các văn bản thì hiệu trưởng trường tư nhẹ hơn trường công.

Chẳng hạn như sử dụng tài chính, chủ đầu tư ủy quyền cho sử dụng tới đâu hiệu trưởng dùng tới đó, chứ không phải sợ cái này có vượt chỉ tiêu, trái quy định của Nhà nước hay không. Và một khi có nhà đầu tư hữu hình, người ta sẽ tham gia vào các công việc của trường sâu hơn, chứ không dừng lại các văn bản…” – PGS.TS Thái Bá Cần chia sẻ.

Sau khi hết nhiệm kỳ Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, PGS.TS Đỗ Văn Xê được mời về làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (TPHCM). Từ một đơn vị công lập chuyển sang làm cho trường tư, PGS.TS Đỗ Văn Xê chia sẻ: “Làm cho trường tư dễ hơn vì chủ sở hữu rõ ràng nên các việc khác cũng rõ ràng theo. Hiệu trưởng không phải làm tất cả mọi việc vì có nhiều việc quan trọng do người chủ trường làm”.

Đồng thời, PGS.TS Đỗ Văn Xê cũng cho rằng, nếu hiệu trưởng trường tư có năng lực làm việc thì thuận lợi hơn nhiều so với làm ở trường công. Bởi trường tư có quy trình hoạt động đơn giản, rõ ràng… Nhiều thứ không phải thông qua các bộ phận nên có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.

Từ trái qua: PGS.TS Thái Bá Cần, GS Đào Văn Lượng, PGS.TS Đỗ Văn Xê. Ảnh: T.G

Áp lực của hiệu trưởng trường tư

So sánh về áp lực giữa hiệu trưởng trường công và trường tư, PGS.TS Thái Bá Cần cho rằng, áp lực về tuyển sinh đối với hiệu trưởng trường tư lớn hơn trường công rất nhiều. “Với trường công tuyển đủ hoặc dư, thậm chí thiếu một chút cũng không sao. Trường tư thì ngược lại, nguồn thu học học phí gần như là nuôi toàn bộ bộ máy vận hành trường, trả cổ tức cho cổ đông… Hầu hết những hiệu trưởng trường tư không được nhà đầu tư tín nhiệm là nằm ở kết quả tuyển sinh” – PGS.TS Thái Bá Cần chia sẻ.

Khi kết thúc nhiệm kỳ công việc Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, GS Đào Văn Lượng được mời về làm Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) từ năm 2006. Thời gian làm hiệu trưởng của GS Đào Văn Lượng kéo dài đến năm 2015. Sau đó giữa ông và Hội đồng quản trị trường xảy ra một số mâu thuẫn mà theo ông do cách hiểu về các quy định của pháp luật giữa hai bên khác nhau.

Lãnh đạo trường tư cần bản lĩnh người đứng đầu. Ảnh: NVCC

Mặc dù không còn làm Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) từ năm 2015 nhưng GS Đào Văn Lượng vẫn cho rằng đây là công việc ông tâm huyết; Đồng thời cho rằng, áp lực về chỉ tiêu tuyển sinh luôn nằm trong kế hoạch hằng năm mà hiệu trưởng phải trình HĐQT, đó là tổng doanh thu phải tăng mỗi năm. GS Đào Văn Lượng tiết lộ: “Khi tôi mới về, trường có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng nhưng khi tôi rời đi doanh thu lên tới trên 130 tỷ đồng”.

Còn đối với PGS.TS Đỗ Văn Xê, việc làm khá vất vả ban đầu là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức một cách hợp lý để trường có thể phát huy đầy đủ chức năng nhiệm vụ. Việc khó thứ 2 là thực hiện việc điều hành sao cho không gây ra sự lo lắng của những người đã và đang làm việc ở trường trước đây. Điều quan trọng cần chú ý là không tạo ra vây cánh của mình.

“Do trường có quy mô nhỏ và tôi đã quen làm việc ở trường lớn. Do đó có thể nói là hiện giờ chưa có áp lực” – PGS.TS Đỗ Văn Xê bày tỏ.

PGS.TS Đỗ Văn Xê phát biểu tại buổi tiếp xúc với SV Trường ĐH Hùng Vương, TPHCM. Ảnh: NVCC 

Vì sao nhà đầu tư săn đón lãnh đạo trường công?

Xu hướng các chủ đầu tư trường tư săn đón, mời các lãnh đạo trường công khi kết thúc nhiệm kỳ, thậm chí có những trường hợp đang đương nhiệm về điều hành trường tư dần phổ biến. Nói về lý do này, GS Đào Văn Lượng cho rằng: Các chủ trường tư cần ở các hiệu trưởng uy tín về mặt chuyên môn và trong quản lý. Trong đó, yếu tố uy tín trong quản lý rất quan trọng.

Từ trải nghiệm bản thân, GS Đào Văn Lượng chia sẻ: “Hợp đồng giữa hiệu trưởng và HĐQT vô cùng quan trọng, cần thương thảo kỹ lưỡng và cụ thể các hạng mục công việc, kể cả mức lương. Khi về STU, tôi không quan tâm, suy nghĩ về chuyện hợp đồng cho lắm. Thời điểm khi mới kết thúc công việc Giám đốc Sở KH&CN, lương của tôi khoảng gần 10 triệu đồng, về trường trả 30 triệu đồng thì mình cũng không lăn tăn. Thậm chí có nơi mời về làm hiệu trưởng với mức lương cao gần gấp đôi nhưng tôi chọn STU vì thích môi trường này và có nhiều đồng nghiệp cũ từ Trường ĐH Bách khoa TPHCM sang”.

Quan hệ giữa hiệu trưởng trường công với người lao động được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Còn quan hệ giữa hiệu trưởng trường tư với người lao động được điều chỉnh bởi Luật Lao động, bên cạnh một số luật liên quan như luật GDĐH. Nhiều người  làm cho trường tư có xuất phát điểm từ trường công, nên hay nhầm lẫn giữa quan hệ theo Luật Viên chức và Luật Lao động – PGS.TS Thái Bá Cần

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Thái Bá Cần bày tỏ: Một trong những lý do để nhà đầu tư chọn hiệu trưởng trường công sang điều hành trường tư vì người làm hiệu trưởng trường công đã có kinh nghiệm điều hành trường ĐH; Đồng thời, về nhân thân, họ cũng đã trải qua quá trình sàng lọc từ trường công, được bảo đảm về mặt uy tín.

Tuy nhiên, PGS.TS Thái Bá Cần cũng lưu ý: “Mặt yếu của hiệu trưởng trường công khi qua làm hiệu trưởng trường tư là thường mang những quán tính của mình từ trường công vào trường tư và tính năng động sẽ giảm bớt do yếu tố tuổi tác.

Chẳng hạn khi vào trường tư, người ta nói đến doanh thu, lợi nhuận thì hiệu trưởng trường công mới về sẽ đặt vấn đề: Sao giáo dục mà nói đến đồng tiền? Hay nói đến học phí có người sẽ nói là học phí trường này đắt, trường kia rẻ… Tuy nhiên, với trường tư, học phí chính là phân khúc, là chất lượng. Khi đưa ra mức học phí có nghĩa là chúng tôi phải cam đoan với người học một mức độ chất lượng nhất định, chứ không phải đặt ra mức nào thì đặt. Do đó cần phải hiểu học phí của trường tư đó là chất lượng dịch vụ mà người ta cung cấp” – PGS.TS Thái Bá Cần chia sẻ.

Bên cạnh những hiệu trưởng gắn bó lâu dài với trường tư cũng có những hiệu trưởng sớm dứt áo ra vì nhiều lý do, mà tựu chung là không được lòng Hội đồng quản trị hay do trường thay ngôi đổi chủ. Chẳng hạn như, PGS.TS Trần Đan Thư đã từ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen sau 5 tháng gắn bó do ngôi trường có sự thay đổi chủ đầu tư mới là Tập đoàn Nguyễn Hoàng và có Hội đồng quản trị mới.

Thay vào vị trí của PGS.TS Trần Đan Thư là GS Mai Hồng Quỳ – cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM. Hay ông Trần Quang Nam làm Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM được khoảng 3 năm thì xảy ra mâu thuẫn, xung đột với một số thành viên của trường và bằng tiến sĩ nước ngoài không hợp lệ nên cũng sớm kết thúc sự nghiệp làm hiệu trưởng.

Pháp luật cần quy định cụ thể mối quan hệ  giữa hiệu trưởng và HĐQT. Phần lớn các hiệu trưởng trường tư muốn yên ổn thì HĐQT bảo gì làm đó. Nhưng như vậy rất khó thể hiện bản lĩnh của người hiệu trưởng – GS Đào Văn Lượng

Công Chương