Tự chủ Đại học (ĐH) là xu thế tất yếu, dẫu thế thời điểm này Luật GDĐH (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua hơn 1 năm, mà không thể đưa vào thực hiện. Vì chưa có nghị định hướng dẫn, các trường ĐH vẫn như đứng giữa ngã ba đường. Mới đây Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thực hiện Luật số 34/2018/QH14 và công nhận Hội đồng Trường của các cơ sở giáo dục Đại học (GDĐH).
Chưa thể công nhận Hội đồng Trường
Văn bản nêu rõ: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14) – xây dựng trên tinh thần chuyển quyền đại diện chủ sở hữu các cơ sở GDĐH từ cơ quan chủ quản về nhà trường, hướng tới mỗi cơ sở GDĐH là một pháp nhân có đầy đủ quyền tự chủ – được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2019. Luật quy định Hội đồng Trường là tổ chức quản trị đại diện quyền sở hữu của nhà trường. Khoản 8 Điều 16 của Luật số 34 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng Trường, đồng thời giao Chính phủ “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng Trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng Trường”. Đáng tiếc cho đến nay, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật như quy định của Luật 34/2018/QH14, điều này gây khó khăn cho các cơ sở GDĐH trong việc triển khai thực hiện Luật, mà mấu chốt là việc công nhận Hội đồng Trường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường ĐH đang gặp phải hiện nay, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tha thiết đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, đặc biệt là các chi tiết liên quan đến Hội đồng Trường; xem xét, điều chỉnh chính sách tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản trên tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH TƯ Đảng Khóa 12, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ.
Theo phân tích của các chuyên gia, thực tế, Luật GDĐH đã trao quyền cho Hội đồng Trường, Hội đồng ĐH của cơ sở GDĐH tự quyết định việc sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước, trong khi đó thực tế lại bị ràng buộc bởi quy định tiến hành đấu thầu tại Luật Đấu thầu 2013 (đã cũ và chưa sửa) như dự án sử dụng vốn nhà nước thông thường.
ThS. Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng bộ môn Bảo hiểm, Trường ĐH Kinh tế TPHCM phân tích: Cần làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, thu và quản lý học phí. Các trường ĐH cần được tự quyết định và chủ động khai thác, tìm kiếm nguồn tài chính, cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai, cân đối thu và chi nhằm đảm bảo hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật và không vụ lợi. Khi nhà trường đã có cơ chế tài chính chủ động, thông thoáng sẽ có chính sách chi trả thu nhập tốt hơn, khuyến khích đội ngũ làm việc hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhà trường. Do đó, để cơ sở GDĐH có thể tự chủ hợp tác nhằm tối đa hóa giá trị của nhà trường thì cần: Luật GDĐH không nên theo hướng đặc thù hóa cơ sở GDĐH (riêng của Bộ GDĐT), mà phải theo hướng xác lập sự tương thích của các trường với các pháp nhân kinh tế – xã hội khác (điều chỉnh bởi luật khác). Điều quan trọng nhất hiện nay là cần nhanh chóng hình thành khung pháp lý hoàn chỉnh liên quan đến thực hiện tự chủ ĐH trên nền tảng tự chủ là quyền của các cơ sở GDĐH.
Chờ đồng bộ luật?
Mới đây nhất, tại Hội thảo khoa học “Tự chủ ĐH thời kỳ hội nhập” do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức, những tồn tại trong việc đồng bộ các luật liên quan với Luật GDĐH sửa đổi như Luật Đầu tư công, Luật Tài chính, Luật Công chức Viên chức… cũng đã được đề cập. Ông Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương – nhận định việc tự chủ của các trường hiện nay khó khăn là không được tự chủ. Để giải quyết khó khăn này, cần cho phép các trường tự chủ, tất nhiên, không chắc chắn thành công 100% mà còn phụ thuộc vào người lãnh đạo của cơ sở.
Liên quan đến câu chuyện tự chủ ĐH hiện nay, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) – khẳng định: Thúc đẩy và mở rộng tự chủ ĐH là tất yếu. Thực tế, hoạt động chuyên môn là lĩnh vực quan trọng nhất cần được tự chủ đầu tiên và các trường đã có quyền tự chủ ở mức độ khá cao trong hoạt động chuyên môn. Về tài chính, tài sản, tổ chức và nhân sự, các trường công vẫn phải thực hiện các quy định về thủ tục, thẩm quyền, chế độ tuyển dụng và thôi việc… Như vậy, để các trường được thực sự tự chủ, trước hết cần chuyển nhanh từ hỗ trợ ngân sách theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đầu tư theo mục tiêu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi và quy định trách nhiệm của các bên trong mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, trong việc thương mại hóa sản phẩm khoa học… để tạo điều kiện tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ cộng đồng. Học phí được tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, công khai, minh bạch để thị trường lựa chọn.
Về băn khoăn của các cơ sở GDĐH đang đặt ra là làm sao để tự chủ mà không vướng luật, bà Kim Phụng phân tích: Vấn đề tự chủ bao trùm lên tất cả mọi hoạt động của nhà trường chứ không chỉ là ba lĩnh vực thường được nhắc đến: Hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính. Trường ĐH hoạt động không chỉ tuân theo Luật GDĐH mà là một thực thể, mỗi hoạt động của trường đều có luật tương ứng điều chỉnh, Luật GDĐH không thể giải quyết hết tất cả hoạt động của trường ĐH. Thời gian qua có rất nhiều kiến nghị rằng các luật phải đồng bộ với nhau thì trường ĐH mới có thể tự chủ được. Vì vậy, Luật GDĐH đã được sửa đổi nhưng hiện còn rất nhiều luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Công chức Viên chức… đang được sửa đổi. Nếu các luật đồng bộ được thì hiệu quả tự chủ sẽ rất tốt.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Đến nay mới chỉ có Luật GDĐH và Luật Công chức Viên chức được sửa theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó Luật Lao động, Luật Kiểm toán, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… đều chưa được sửa, nên khó mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH.
Trước thực trạng chờ văn bản hướng dẫn tự chủ ĐH, TS. Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và Phân tích Chính sách, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cho rằng: Cần có một số cơ sở làm chỗ dựa trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật và hoàn thiện luật. Thứ nhất, mỗi cơ sở GDĐH là một pháp nhân độc lập; nhà trường ĐH tự chủ về đào tạo nghiên cứu; tự chủ về tổ chức nhân sự; tự chủ về tài chính tài sản; đồng thời chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và nhà nước về mọi hoạt động của mình; không có cơ quan chủ quản đối với nhà trường ĐH. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào công việc của nhà trường ĐH. Tiếp đó, việc quản trị nhà trường ĐH dựa trên nền tảng sở hữu, nhà trường ĐH có tài sản thuộc sở hữu toàn dân, cơ cấu các thành phần tham gia quản trị gồm đại diện nhà nước và cộng đồng; Nhà nước ứng xử công bằng, bình đẳng với các cơ sở GDĐH, không phân biệt trường công, trường tư, không phân biệt đào tạo theo truyền thống với các hình thức đào tạo khác; xây dựng một hệ thống GDĐH theo chuẩn mực chung được UNESCO khuyến cáo, bảo đảm nguồn nhân lực thích ứng điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Dung Hòa