(PLVN) – Nền kinh tế đã và đang có nhiều thay đổi sâu sắc, dẫn đến yêu cầu nhân lực, quy mô và phương thức đào tạo cần phải thay đổi theo, thậm chí đào tạo còn phải thay đổi mang tính đi trước, đón đầu. Tuy nhiên, cái nhìn về thầy – thợ vẫn vậy, tâm lý học vẫn là để có bằng cấp…
Đại học sẽ có chuẩn đầu ra? Ảnh minh họa
Nở rộ ngành học mới
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, năm 2020 có 8 nhóm ngành nghề dự kiến sẽ hút nhân lực, đó là: công nghệ thông tin – điện tử; cơ khí – tự động hóa; dịch vụ du lịch – khách sạn nhà hàng; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; dệt – may – giày da. Đón đầu về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, mùa tuyển sinh năm nay, các trường ĐH cũng đua nhau mở thêm nhiều ngành nghề mới.
Những ngành học phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhiều trường đưa vào đào tạo trong kỳ tuyển sinh năm nay. Mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM dự kiến tuyển sinh cho 4 ngành học mới với tổng chỉ tiêu 400 sinh viên, gồm: Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ du lịch – lữ hành, Quản trị khách sạn.
Còn Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP HCM cũng sẽ tuyển sinh đào tạo thêm hai ngành mới là Ngôn ngữ Trung Quốc và Kinh doanh thương mại. Theo đó, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh tất cả các ngành của trường sẽ là 2.565 sinh viên.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cho biết, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2020 – 2021 là 4.000 sinh viên, HIU sẽ có thêm một số ngành học mới, trong đó đặc biệt chú trọng những ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao như: Hộ sinh, Y đa khoa, Cử nhân sức khỏe răng miệng, Digital Marketing, Quản lý tài nguyên và Môi trường, Kỹ thuật y sinh, Quản lý công nghiệp, Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ sinh học, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, nâng tổng số ngành học mà HIU đang đào tạo lên 48 ngành.
Ngoài việc mở thêm ngành học mới, dạy chương trình tiếng Việt, HIU dự kiến mở thêm 9 ngành đào tạo chương trình Quốc tế (học 100% tiếng Anh) gồm các ngành: Y khoa, Dược học, Điều dưỡng, Kiến trúc, Luật kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Quản lý công nghiệp, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Quan hệ Quốc tế, nâng tổng số ngành mà trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh lên 16 ngành.
Các trường trong khối ĐH Quốc gia TP HCM cũng mở thêm nhiều ngành nghề và chương trình đào đạo mới, như Trường ĐH Kinh tế – Luật dự kiến mở thêm 3 chương trình đào tạo mới: Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao bằng tiếng Anh; đồng thời triển khai 3 chương trình song ngành liên trường trong ĐH Quốc gia TP HCM đó là Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại), Quản trị kinh doanh, Luật Kinh tế.
Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh thì dự kiến mở thêm 5 chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và khoa học máy tính (tiếng Nhật).
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển hơn 3.300 chỉ tiêu, trong đó có chương trình chất lượng cao ở các ngành: Báo chí, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Quan hệ quốc tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Còn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ tuyển 3.500 chỉ tiêu, với 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Vật lý y khoa, Kỹ thuật địa chất, Toán ứng dụng, Toán tin.
Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM cũng sử dụng 5-6 phương thức tuyển sinh, tăng chỉ tiêu phương án xét điểm thi đánh giá năng lực. Theo đó, Trường ĐH Quốc tế dự kiến có hơn 1.600 chỉ tiêu với có 6 phương thức xét tuyển.
Trong đó, 40-60% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 3-5% xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP HCM; 1% xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm nay, Trường ĐH Quốc tế vẫn duy trì điểm kiểm tra năng lực do chính trường tổ chức với 20-40% chỉ tiêu cho phương thức này. Ngoài ra, trường dành 20-40% xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM và 1% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên học bạ với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài.
Cần “đủ chất” trước khi “ngon”
Về câu chuyện “ thừa thầy- thiếu thợ”, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT chia sẻ: “Tôi thấy rằng, hiện nay chúng ta lạm dụng từ “nhân lực Chất lượng cao- CLC”, trong khi thực chất xã hội ta hiện nay mới chỉ cần nhân lực có chất lượng. Nói như vậy để nó đặt tương phản với đào tạo mà khi chưa đạt được ngưỡng chất lượng hiện nay của rất nhiều cơ sở đào tạo ở trong nước.
Nhiều doanh nghiệp khi sử dụng “sản phẩm” của các trường ĐH, họ cho rằng, những kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ mà các trường đào tạo cho sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Với sự phát triển rất nhanh chóng hiện nay do thâm nhập của công nghệ số, sự dịch chuyển nền kinh tế sang công nghiệp 4.0 thì nhân lực cũng cần có những kỹ năng để phù hợp với sự thay đổi đó, thậm chí “đầu ra” của các trường ĐH phải đi tiên phong trong cuộc chuyển đổi số đó”.
Theo ông Lê Trường Tùng, Việt Nam đã trải qua thời kỳ ăn uống không đủ chất thì sẽ thấu hiểu hiện nay cũng có nhiều cơ sở đào tạo không đủ “chất”, nghĩa là có nhiều nội dung, kỹ năng lẽ ra sinh viên (SV) khi tốt nghiệp phải nắm được thì lại không được dạy trong trường.
Cụ thể, với xu thế hội nhập toàn cầu thì kỹ năng ngoại ngữ là cực kỳ quan trọng, bởi nó không chỉ để giao tiếp mà quan trọng hơn còn là công cụ quan trọng giúp SV có thể nắm được những kiến thức mới, thành tựu mới để có thể hội nhập quốc tế.
Các kỹ năng khác tương tự như: Tư duy phản biện, kỹ năng mềm, những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của Công nghiệp 4.0… Tất cả những “chất” đó các trường rất thiếu, mà đáng lo ngại là lại thiếu trong thời gian dài. Nhưng các trường ĐH không thấy mình có lỗi, phải có trách nhiệm làm thế nào cung cấp được nền học vấn đủ “chất”, chứ chưa nói đến “ngon”, tức là nhân lực chất lượng cao.
Làm thế nào để tăng được chi phí lên thì có nhiều cách. Trước tiên phải giải bài toán từ phía người học như thế nào, từ phía Nhà nước đầu tư như thế nào, tín dụng cho SV thực hiện ra sao? Mỗi nước họ đều tìm được lời giải một cách phù hợp với hoàn cảnh của mình và Việt Nam đã giải quyết bằng con đường giao quyền tự chủ cho các trường.
Tuy nhiên, việc tự chủ về tài chính khiến các trường rất khó khăn khi nguồn thu chủ yếu chỉ dựa vào học phí, mà học phí rất khó tăng cao khi thu nhập của người dân còn thấp. Ở Úc, trường ĐH được tự chủ về học thuật, tự chủ về nhân sự, nhưng riêng tài chính vẫn được Nhà nước đầu tư 50%, còn lại học phí của SV là 50%, đủ nguồn lực để các trường đảm bảo đủ “chất”.
Về mở ngành đào tạo và liên kết đào tạo với nước ngoài, các trường ĐH đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ thì được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo trình độ ĐH; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.
Các cơ sở GDĐH được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo thuộc ĐH khi đáp ứng điều kiện quy định. Các trường ĐH thành viên của ĐH được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài khi đáp ứng điều kiện theo quy định và phù hợp với quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định về chuẩn đầu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực. Dự kiến năm 2021 sẽ áp dụng cho các lĩnh vực: Sức khỏe, kỹ thuật, kế toán-tài chính, du lịch, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Và năm 2023 sẽ hoàn thành xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực khác. Khi tăng cường tính tự chủ, các trường tự chủ mở ngành nên hệ thống ngành học sẽ rất nhiều, chưa kể cùng một ngành nhưng mỗi trường đào tạo mỗi khác.
Do đó, chuẩn đầu ra này sẽ là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo của từng đơn vị. Năng lực tự chủ thấp mà thực hiện quyền cao hơn sẽ bị siết lại.
Nguyễn Mỹ