Bộ GD&ĐT sẽ xem xét việc lùi thời gian thi THPT Quốc gia 2020

(PLO) – “Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT Quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét lại tùy theo tình hình thực tế và thông báo cụ thể sau” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ GD&ĐT vẫn đang theo dõi rất sát sao tình hình diễn biến của dịch. Tại thời điểm này, các nhà trường đều có khung thời gian học bù trong kế hoạch. Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét và thông báo cụ thể.

Đó là lưu ý của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về tổng kết tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học hệ chính quy, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy, diễn ra ngày 13-2.

Theo đó, về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, nên việc học, ôn thi phải hết sức cơ bản, tránh học lệch, học tủ. Các trường tập trung dạy học, ôn tập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, điểm học bạ phải bảo đảm khách quan, trung thực, khuyến khích học bạ điện tử và kết quả điểm phải minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ.

Bộ GD&ĐT đang rất sát sao diễn biến dịch bệnh để có chỉ đạo kịp thời. Do đó, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, các trường cần chuẩn bị phương án học bù để bảo đảm chương trình giáo dục.

“Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT Quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét lại tùy theo tình hình thực tế và thông báo cụ thể sau” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Về tư vấn tuyển sinh,  Bộ trưởng Nhạ lưu ý vai trò của lãnh đạo Sở không chỉ là chỉ đạo việc tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh mà cần phải quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với sở trường của từng em và nhu cầu xã hội trong vòng 3-4 năm sau đó.

Các cơ sở giáo dục đại học cần sát sao hơn nữa với các sở GD&ĐT, trường THPT; có nhiều kênh thông tin, nhiều diễn đàn để giới thiệu về các ngành nghề mới, điều kiện của nhà trường để học sinh chủ động tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi, tránh tình trạng thiếu thông tin, hoặc thông tin không đúng.

Bộ trưởng cũng đưa ra lưu ý đối với các trường rằng khi xây dựng chỉ tiêu trong phương án tuyển sinh cũng cần bám sát với thực tiễn. Nhiều trường đưa ra số lượng chỉ tiêu cao song thực tế tuyển sinh lại rất thấp.

“Nhiều trường đã căn cứ vào đó để hạ điểm đầu vào, như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng. Các trường cần phải tiếp cận theo cách khác là tuyển sinh chỉ tiêu ít đi nhưng chất lượng cao thay vì tuyển sinh nhiều nhưng sinh viên lại rơi rớt dần trong quá trình học” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng mong muốn, khi các trường được tự chủ trong đào tạo, tự chủ mở ngành cũng phải tránh sự mở ngành theo phong trào và nhu cầu nhất thời mà bỏ qua khâu nghiên cứu thị trường, có căn cứ khoa học. Bởi như thế sẽ không lâu dài, chương trình sẽ lụi bại vì không có đầu ra, không có giáo viên giảng dạy. Và quan trọng nhất là quyền lợi của người học không được đảm bảo.

PHẠM ANH