Mười năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo, ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lưu Quang Tuấn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác hội nhập quốc tế của các Bộ, ngành thuộc khối văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo.

Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế” với quan điểm chỉ đạo chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Ngày 13/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 22, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban và thành lập 03 Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về: (1) an ninh chính trị, (2) kinh tế và (3) văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo do 3 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Chủ động hội nhập quốc tế

68b1ee473e87ebd9b296.jpg

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng: Trong tiến trình hội nhập quốc tế, chúng ta cần nhìn nhận văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường là những yếu tố căn bản, có ý nghĩa quan trọng về phát triển bền vững đảm bảo cuộc sống hạnh phúc của người dân – đây cũng là mục tiêu cuối cùng của sự phát triển; đồng thời, trụ cột này cũng bổ sung cho hội nhập quốc tế ở 2 trụ cột còn lại là kinh tế và an ninh, chính trị. “Đặc biệt, bài học trong và sau đại dịch Covid-19 càng cho chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của hội nhập quốc tế trong giải quyết các tác động tiêu cực của rủi ro phi truyền thống đối với sự phát triển chung của đất nước nói riêng và quốc tế nói chung” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22, với sự nỗ lực của từng Bộ, ngành, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về hội nhập quốc tế. Mười năm cũng là một thời gian đủ dài để nhìn lại và đánh giá một cách có hệ thống những công việc đã làm, những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm để hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe 11 tham luận của đại diện các Bộ, ngành về kết quả thực hiện hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực chuyên ngành gồm văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục, đào tạo. Các tham luận tập trung vào các kết quả nổi bật nhất của công tác hội nhập quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực giai đoạn 10 năm vừa qua, cũng như những vấn đề nổi cộm, những tồn tại và khó khăn, thách thức trong hội nhập quốc tế và đề xuất phương hướng hội nhập quốc tế đến năm 2030. Đây là những nội dung quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của khối khoa giáo văn xã và góp phần thực hiện Đề án Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 do Bộ Ngoại giao đang chủ trì.

Để triển khai Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 31 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 22, các Bộ, ngành đều có chiến lược, đề án hoặc kế hoạch để chỉ đạo triển khai công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý và chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao quán triệt, tuyên truyền nội dung các nghị quyết trong lĩnh vực phụ trách.

Các Bộ, ngành đã rất nỗ lực nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và chỉ đạo thực hiện đầy đủ nhất các cam kết quốc tế. Bên cạnh việc xây dựng và thực hiện chính sách để đảm bảo các cam kết quốc tế, các Bộ, ngành cũng chủ động nghiên cứu đề xuất và thực hiện các chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường để chủ động nâng cao năng lực nội tại của đất nước, nâng cao vị thế và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Mặc dù các kết quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực này khó đo lường nhưng vẫn có thể thấy được qua sự cải thiện của một số chỉ số cụ thể như các giải thưởng giành được trong các cuộc thi quốc tế về giáo dục, kỹ năng nghề, thể thao, xếp hạng về năng lực cạnh tranh Du lịch, xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu…

9e0290d14211974fce00.jpg

Ông Nguyễn Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phát biểu tham luận về kết quả công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

Hợp tác quốc tế được các Bộ, ngành đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực của khối qua các kênh hợp tác song phương, đa phương và phi chính phủ. Việt Nam đã tham gia tích cực mọi diễn đàn thế giới và khu vực, đóng góp và chủ trì nhiều sáng kiến quan trọng thúc đẩy xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030 và nhiều chương trình hợp tác toàn cầu và khu vực liên quan đến lao động, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN luôn được coi trọng, góp phần khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm qua việc chủ động, tích cực tham gia và phối hợp trong quá trình thành lập Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN và thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng đến năm 2025 cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động của Cộng đồng qua các cơ chế hợp tác chuyên ngành.

Thực thi luật pháp, chính sách trong lĩnh vực lao động và việc làm được thúc đẩy, ngày càng đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế

Trong 10 năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22. Tới nay, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội đã đạt được một số kết quả, thể hiện qua công tác hoàn thiện thể chế, thực thi chính sách, pháp luật đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế.

31547f3aaefa7ba422eb.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Cụ thể, Việt Nam đã gia nhập tổng số 25 công ước của ILO, trong đó có 9/10 công ước cơ bản về tiêu chuẩn lao động, 7/9 công ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người. Trình ban hành 06 Luật, Bộ luật và một hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và các công ước đã tham giađồng thời thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào trong luật pháp chính sách.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, công tác phát triển thị trường lao động có nhiều tiến bộ, với việc gia tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng việc làm, năng suất lao động, thu nhập bình quân của người lao động, người lao động yếu thế, nhất là người khuyết tật, được tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội việc làm. Quan hệ lao động được phát triển hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trình độ kỹ năng nghề và khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng cao, thể hiện ở nhu cầu gia tăng của nhiều nước đối với lao động Việt Nam, kết quả tham gia các kỳ thi tay nghề thế giới đang dần được cải thiện.

Phạm vi bao phủ của an sinh xã hội mở rộng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội, với tổng số người tham gia BHXH đạt gần 17,49 triệu người.

Cuộc sống của người yếu thế, dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo được quan tâm và đảm bảo an sinh kể cả trong đại dịch Covid-19. Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân tại cộng đồng với 425 cơ sở trợ giúp xã hội phục vụ người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật. Chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng yếu thế liên tục được điều chỉnh tăng lên phù hợp với mức sống và trình độ phát triển của đất nước. Giảm nghèo bền vững được thực hiện theo phương pháp tiếp cận đa chiều thay cho cách tiếp cận giảm nghèo theo thu nhập. Với tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm từ năm 2016 đến nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong công cuộc chống đói nghèo của Thế giới. Bình đẳng giới cũng là một điểm sáng trong công tác hội nhập quốc tế, liên tục đạt được bộ về thu hẹp khoảng cách giới, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội.

Các kết quả trên đạt được một phần là do hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh để tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực kỹ thuật, tài chính của quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật.

Nguồn: Molisa.gov.vn