Trong điều kiện chỉ có giáo viên đơn môn, các trường phổ thông đã liên kết với cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy STEM hiệu quả…
Giáo viên Trường THPT Trần Phú tham gia tập huấn, trải nghiệm giáo dục STEM tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (NVUK), ĐH Đà Nẵng. Ảnh: VNUK cung cấp |
Giáo viên đi… học
Hết học kỳ I năm học 2023 – 2024, toàn bộ giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tham dự 2 đợt tập huấn về giáo dục STEM. Từ những trải nghiệm thực tế trong dạy học, các thầy, cô giáo Trường THPT Trần Phú cùng giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hành xây dựng bài giảng, thiết kế và giảng dạy môn học STEM với phương pháp Học theo dự án.
Cùng với Trường ĐH Bách khoa, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) cũng tổ chức khóa tập huấn “Xây dựng và triển khai bài giảng STEM” cho cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Trần Phú. Đây chính là tiền đề để các nhà giáo thay đổi công cụ và phương pháp đào tạo giúp học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Ngoài hiểu được nội dung cốt lõi, thầy, cô giáo còn tìm hiểu thêm các yếu tố hỗ trợ giáo dục STEM từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện nhà trường và địa phương.
TS Nguyễn Thị Anh Thư – Phó Trưởng khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Triển khai hoạt động STEM theo phương pháp Học theo dự án (Project Based Learning – PBL), giáo viên cần lưu ý chọn những vấn đề gần gũi với học sinh để tăng sự hứng thú và ý nghĩa. Học sinh phải có cơ hội được trình bày và lựa chọn phương án mà các em cho là tối ưu. Vì vậy, đây là quy trình mở và đáp án chỉ tối ưu trong tình huống đó, nếu thay đổi sẽ có đáp án khác thay thế”.
Còn thầy Phan Tiến Dậu – giáo viên Vật lý, Trường THPT Trần Phú nhận xét: “Các lớp tập huấn giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về quy trình, cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện dự án STEM. Giáo viên nên đưa ra những vấn đề cụ thể, từ đó gợi ý cho các em thông qua câu hỏi. Nếu thầy cô đưa ra một số giới hạn nhất định thì học sinh không bị mông lung và đề xuất được những giải pháp thiết kế phù hợp”.
Thầy Dậu lấy ví dụ, muốn học sinh xây dựng dự án về giải pháp cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường một địa điểm tại địa phương, giáo viên cần gợi ý hướng đi bằng cách đưa ra câu hỏi để trò xác định nguyên nhân. Sau đó chọn ý tưởng tốt nhất để các em xây dựng giải pháp.
Tham gia khóa bồi dưỡng STEM do Phòng GD&ĐT Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức, nhiều giáo viên các trường tiểu học – THCS quận Thanh Khê đã vỡ ra STEM không chỉ là học lập trình và lắp ráp robot, cũng không cần đầu tư nhiều về cơ sở vật chất. STEM có thể chỉ đơn giản là bài toán vận dụng như trên cơ sở lượng đường và các thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn hàng một loại nước ngọt; học sinh tính toán mỗi ngày một phụ nữ nên uống bao nhiêu ml nước để lượng đường thêm vào cơ thể không vượt quá 25g.
Giáo viên các trường phổ thông ở Đà Nẵng trải nghiệm hoạt động STEM với trò chơi giọt nước trên lá sen trong chương trình tập huấn Giáo dục STEM do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: VNUK cung cấp |
Thay đổi sinh hoạt tổ chuyên môn
Thầy Phan Tiến Dậu cho rằng, với các trường THPT hiện nay, phổ biến nhất là STEM bài học. STEM dự án chỉ dừng lại ở một vài dự án khoa học, kỹ thuật của học sinh hoặc hoạt động ngoại khóa ở quy mô từng khối lớp.
“Trong nhiều bài học, giáo viên có thể gợi ý, liên hệ đến các vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống để học sinh biết cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Ví dụ với bài chuyển động ném ngang, ném xiên, giáo viên có thể liên hệ hiện tượng cầu rồng phun lửa hay biểu tượng cá chép phun nước. Từ đó, học sinh tìm hiểu kiến thức vật lý liên quan đến bài học như phương ném, lập ra góc alpha”, thầy Dậu phân tích.
Đây cũng là hướng mà Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh chú trọng trong các lớp tập huấn giáo dục STEM cho giáo viên khối phổ thông. Các thầy, cô đã trải nghiệm một số hoạt động STEM với quy mô và không gian tổ chức khác nhau. Như trò chơi khởi động thả trứng từ trên cao mà không vỡ; triển khai STEM trong lớp học với hoạt động làm kem siêu tốc; triển khai STEM ngoài sân trường với trò chơi giọt nước trên lá sen; Dự án phóng tên lửa lên sao Hỏa…
Nối tiếp bài học về một số mạch điện điều khiển đơn giản có sử dụng các loại mô-đun cảm biến, khối học sinh lớp 8, Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tự lắp đặt thiết bị cảnh báo độ ẩm cho cây trồng trong giờ học Công nghệ đầy hứng thú.
Sau khi trải nghiệm lắp ráp mô hình trên phần mềm ảo, thiết bị cảnh báo độ ẩm cho cây trên thực tế đã nhanh chóng được hoàn thành. Ở mỗi chậu cây, thiết bị cảnh báo vang lên, đèn sáng cũng là lúc học sinh các nhóm reo vang thích thú vì thực hiện thành công ý tưởng.
TS Đặng Đức Long – Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng cho biết: “STEM không phải là dạy kiến thức cũ theo cách mới, mà có thể hiểu rõ trong vài buổi “tập huấn”. Thầy cô hãy trải nghiệm và trở lại thành người học”.
Theo phân tích của TS Đặng Đức Long, STEM khuyến khích học sinh hợp tác để cùng làm việc. Vì vậy, các thầy cô phải ngồi lại với nhau để xây dựng một số dự án dạy học tích hợp liên môn. Ít nhất một học kỳ phải có từ 1 – 2 buổi sinh hoạt chuyên môn chung giữa một số tổ chuyên môn. Ban giám hiệu các trường phổ thông có thể xây dựng nhóm giáo viên dạy – học STEM như mô hình nhóm giảng viên nghiên cứu, giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức các khóa tập huấn triển khai hoạt động STEM theo phương pháp dạy học dự án (PBL) cho giáo viên các trường THPT ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đây là giáo viên dạy các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học và Công nghệ. Ngoài tập huấn trực tiếp, đơn vị còn duy trì các kênh tư vấn trực tuyến cho giáo viên, học sinh THPT để có thể được hỗ trợ từ giảng viên của trường.
Nguồn: Hà Nguyên – giaoducthoidai.vn