Cần kịp thời rà soát văn bản pháp luật liên quan đến kiểm định chất lượng GDĐH

Cần kịp thời rà soát và thống nhất hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Năm 2013, 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên ở nước ta đã được thành lập. Đến nay, cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được kỳ vọng sẽ là “cánh tay nối dài” của ngành trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Hệ thống các trung tâm kiểm định và trường đại học Việt Nam đang có những bước đi không thể phủ nhận

Được thành lập từ năm 2017 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/6/2018 đến nay, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh đã đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho 20 cơ sở giáo dục và 202 chương trình đào tạo (Tính đến 31/12/2023).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Quang – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh cho hay, ngoài thực hiện kiểm định chất lượng, Trung tâm còn cung cấp các hoạt động bồi dưỡng, tư vấn công tác bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học, tư vấn hoạt động tự đánh giá và cải tiến chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường năng lực và nhận thức cho đội ngũ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng, cũng như cho hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Cùng với sự hoàn thiện từng bước của hệ thống hành lang pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục, kết hợp công tác quản lý, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của Cục Quản lý chất lượng đã giúp Trung tâm hiểu đúng và hoạt động phù hợp quy định hơn.

“Bên cạnh đó, nhờ có sự đầu tư ban đầu của Trường Đại học Vinh, Trung tâm có đủ các điều kiện để triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành. Đặc biệt, nhờ sự thống nhất, nỗ lực cao của cán bộ, viên chức Trung tâm trong việc phụng sự các cơ sở giáo dục, Trung tâm được nhiều cơ sở giáo dục (trong đó có nhiều cơ sở giáo dục thuộc top đầu cả nước) tin tưởng và lựa chọn để đăng kí kiểm định chất lượng giáo dục”, Tiến sĩ Trần Đình Quang chia sẻ về những thuận lợi của Trung tâm trong hơn 6 năm đi vào hoạt động đến nay.

TrDiQuang_Phat bieu.jpg
Tiến sĩ Trần Đình Quang – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Tiến sĩ Trần Đình Quang cho biết Trung tâm cũng gặp phải một số khó khăn.

Một trong những khó khăn kể đến là quy định về tài chính cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Cụ thể như đấu thầu trong kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa thực sự thuận lợi.

Phân tích thêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh cho biết: Chẳng hạn, để đủ điều kiện tham dự và thắng thầu cần có dự kiến Đoàn đánh giá ngoài cũng như thời gian khảo sát chính thức. Tuy nhiên, việc đấu thầu có thể kéo dài, dẫn đến thời gian thực hiện sẽ có sự thay đổi và một số kiểm định viên đã đăng kí không thể tiếp tục tham gia đoàn đánh giá ngoài như lúc tham dự thầu. Điều này gây khó khăn cho việc thay thế thành viên đoàn phù hợp với năng lực yêu cầu.

Một khó khăn khác là số lượng chương trình đào tạo của cả nước nhiều (vài nghìn), trong khi số lượng kiểm định viên trong cả nước là giới hạn (hàng trăm), được 07 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục dùng chung nên có lúc các trung tâm bị động trong việc lập kế hoạch thời gian cũng như mời thành công kiểm định viên phù hợp với chuyên môn của chương trình đào tạo được đánh giá.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh đóng ở địa bàn xa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – vốn là các địa bàn tập trung nhiều trường đại học, giao thông thuận tiện, có nhiều kiểm định viên cư trú, do vậy chi phí các đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm thường cao hơn các trung tâm ở tại hoặc gần Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nên tính cạnh tranh của Trung tâm về chi phí bị giảm.

Chưa kể, các trung tâm kiểm định trong nước cũng gặp phải sự cạnh tranh với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Trần Đình Quang, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có lợi thế riêng vì không phải tuân thủ một số quy định của Việt Nam như số lượng thành viên mỗi đoàn đánh giá ngoài, thời gian đánh giá… nên thực tế các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có số thành viên đoàn ít hơn, số ngày khảo sát chính thức ngắn hơn. Từ đó, chi phí cũng thấp hơn nên có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (1).png

Thành lập ngày 16/3/2021, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (CEA-SAIGON) là 1 trong 2 trung tâm kiểm định chất lượng ngoài công lập của cả nước (hoạt động chính thức ngày 19/11/2021).

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục Sài Gòn đánh giá, sự ra đời của CEA-SAIGON là một bước ngoặt của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong việc thực hiện các quy định về kiểm định chất lượng theo Luật Giáo dục Đại học. Đặc biệt chính là đảm bảo yêu cầu về tính độc lập của trung tâm kiểm định chất lượng, được quy định tại Khoản 1, Điều 52 Luật Giáo dục đại học sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019: “…Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, tính đến năm 2023, CEA-SAIGON đã tham gia đánh giá và công nhận đạt chất lượng cho 4 cơ sở giáo dục và 98 chương trình đào tạo.

Đề cập đến một số khó khăn trong hoạt động của Trung tâm, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho hay, Trung tâm phải thích nghi nhanh với sự thay đổi của thời đại, khi nhu cầu hội nhập, quốc tế hóa chất lượng đánh giá để vừa thực hiện vai trò của một cơ quan chịu trách nhiệm công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo xứng đáng, vừa không tạo ra các áp lực đẩy các trường vào thế đối phó.

“Trong thời gian gần đây, hệ thống giáo dục Việt Nam ngày càng được củng cố hơn để khẳng định chất lượng và chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng của một cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo.

Cho nên, với những yêu cầu hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm định các trường đại học và các chương trình đại học chúng ta thấy số lượng là rất lớn. Điều đó cũng cho thấy các trung tâm đang phải chịu một áp lực làm sao có thể đạt được mục tiêu về kiểm định mà hệ thống giáo dục đại học đặt ra”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung phân tích thực tế.

6aa27b26_IMG_7171.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Giám đốc Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục Sài Gòn (CEA-SAIGON). Ảnh: Học viện Ngân hàng

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kiểm định chất lượng, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung đánh giá, kiểm định chất lượng là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo của một cơ sở giáo dục. Kiểm định chất lượng giúp bảo đảm chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng, bảo đảm rằng người học nhận được một trải nghiệm học tập tốt và chuẩn bị cho tương lai. Bên cạnh đó, kiểm định chất lượng cũng bảo đảm giúp cơ sở giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế.

“Chúng tôi cho rằng với thời đại ngày nay, các trường đại học ngày càng phải mở cửa để phát triển. Nếu các cơ sở giáo dục không thực sự nghiêm túc làm đánh giá ngoài để nhận được những góc nhìn khách quan, công tâm, đóng góp cho sự phát triển mới thì dễ bị tâm lý trì trệ, giậm chân tại chỗ hoặc tuột dốc trong đào tạo”, chuyên gia nhấn mạnh.

Giám đốc CEA-SAIGON chia sẻ, qua đánh giá ngoài ở nhiều trường đại học cho thấy chất lượng dạy học sau đánh giá ngoài, các trường đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải tiến các tồn tại, do đó, chất lượng các chương trình đào tạo của các trường đã được nâng lên đáng kể.

Lấy dẫn chứng thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung chia sẻ, sau đánh giá, họ đã phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, rà soát và chỉnh sửa các đề cương chi tiết, các quy trình, quy định quản lý chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều tra khảo sát để hướng đến đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế.

“Tất nhiên, so với nhiều nước, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học vẫn còn nhiều điều cần cải tiến, nhưng không thể phủ nhận là với yêu cầu hội nhập, minh bạch thông tin, cải tiến chất lượng không ngừng, hệ thống các trung tâm kiểm định và các trường đại học Việt Nam đang có những bước đi không thể phủ nhận”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng đánh giá cao những tác động tích cực của hoạt động kiểm định tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, Tiến sĩ Trần Đình Quang chia sẻ, từ khi vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học được luật hóa và trở thành yêu cầu bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, một trong những thay đổi lớn nhất là văn hóa chất lượng đã được hình thành trong các cơ sở giáo dục đại học.

Theo chuyên gia, trước đây, khi đề cập đến các khái niệm như kiểm định chất lượng, bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, chương trình dạy học, chương trình đào tạo theo tiếp cận OBE (Outcomes-Based Education – xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra – PV)… dường như là mới lạ với nhiều cán bộ, giảng viên. Đến nay, các khái niệm này đã trở nên quen thuộc với hầu hết giảng viên.

Một thay đổi khác dễ nhận thấy là trước đây các trường đại học nước ta chủ yếu dạy học theo tiếp cận nội dung, lấy giảng viên làm trung tâm (thầy có gì dạy nấy). Tuy nhiên, kể từ khi triển khai kiểm định chất lượng giáo dục, dạy học nhằm đạt được chuẩn đầu ra được chú trọng, giáo dục chuyển từ lấy giảng viên làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm (giảng viên dạy cái mà thị trường lao động cần).

Tiến sĩ Trần Đình Quang nhận định, đây chính là lý do các cơ sở giáo dục, giảng viên quan tâm đến phát triển chương trình đào tạo theo OBE như hiện nay.

Vì sao một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện kiểm định chất lượng?

Hoạt động kiểm định chất lượng bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục (kiểm định trường) và kiểm định chương trình đào tạo.

Hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học (chưa tính các cơ sở giáo dục thuộc khối trường Công an và Quân đội). Trong khi đó, thống kê đến ngày 31/12/2023 cho thấy mới có 187 cơ sở giáo dục đại học, 11 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài. Như vậy, còn khoảng 57 cơ sở còn lại chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn trong nước).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn (1).png

Lý giải nguyên nhân một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh nhận định, một mặt do yêu cầu về chuẩn chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng ngày một nâng cao. Theo đó, các văn bản của Nhà nước ta về các quy định, yêu cầu này ngày càng cụ thể và có tính hội nhập cao hơn, khó đáp ứng hơn.

Bên cạnh đó, chuyên gia chỉ ra thêm 3 nhóm nguyên nhân chính:

Thứ nhất, cơ sở giáo dục thuộc địa phương (do tỉnh, thành phố quản lý) hoặc đóng ở địa phương xa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh – nơi hội tụ nhiều người có trình độ cao (thạc sĩ trở lên mới đủ tiêu chuẩn làm giảng viên đại học) nên gặp khó khăn trong việc tuyển đủ giảng viên cơ hữu theo quy định.

Thứ hai, cơ sở giáo dục trực thuộc các bộ chuyên ngành (khác với Bộ Giáo dục và Đào tạo) và cơ sở giáo dục trực thuộc tỉnh/thành phố thường khó khăn hơn trong việc thành lập Hội đồng trường. Trong khi đó, việc có Hội đồng trường là một trong những điều kiện, yêu cầu để có thể đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Thứ ba, cơ sở giáo dục mới thành lập (dưới 10 năm chẳng hạn), nguồn tài chính của nhà đầu tư hạn hẹp, vận hành của nhà trường phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí hay kết quả tuyển sinh. Kết quả tuyển sinh lại phụ thuộc sự đầu tư cơ sở vật chất, con người của nhà đầu tư, danh tiếng của nhà trường, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục…

Bên cạnh các yếu tố về nguồn lực thực hiện kiểm định, bao gồm cả về nhân lực lẫn tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung phân tích thêm nguyên nhân đến từ việc một số trường chưa thấy được tầm quan trọng của kiểm định chất lượng đối với sự phát triển của nhà trường.

“Thẳng thắn mà nói, qua quá trình đánh giá chất lượng giáo dục, đâu đó có cơ sở giáo dục đại học còn mang tư tưởng mình có danh tiếng, đã làm tốt nên không cần quan tâm đến công tác đánh giá ngoài. Một số khác lại quan niệm, kiểm định cho có, cho đủ quy định”, Giám đốc CEA-SAIGON nêu thực tế.

Bên cạnh động lực tự phát triển của các chương trình đào tạo và các cơ sở giáo dục, để thực sự khách quan, minh bạch, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh, rất cần các tổ chức kiểm định độc lập đứng ra thực hiện việc thúc đẩy các trường phải tập trung vào chất lượng.

“Thực tế, bên cạnh công nhận các cơ sở và các chương trình đạt chuẩn thì đánh giá ngoài còn giúp chỉ ra rất nhiều lỗ hổng, thiếu sót, thậm chí là những bước chậm tiến, cách làm lỗi thời của các đơn vị đào tạo để các trường không ngừng cải tiến”, chuyên gia cho hay.

Về kiểm định chương trình đào tạo, thống kê về số lượng các chương trình đào tạo cho thấy số lượng các chương trình được kiểm định ngày càng tăng. Cụ thể, theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 31/12/2023, toàn quốc có 1.611 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận, trong đó có 1.125 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 486 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Các chuyên gia đều nhận định, số lượng chương trình được kiểm định ngày càng tăng cho thấy sự quan tâm của các trường đại học đến việc đáp ứng các yêu cầu kiểm định ngày càng lớn.

“Tất nhiên, theo quy định của Luật, việc một chương trình đào tạo được kiểm định là bắt buộc cho việc tiếp tục đào tạo, mở ngành cao hơn cũng là một yếu tố quan trọng để bắt buộc các trường phải đăng ký đánh giá. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy các trường ngày càng thể hiện tính trách nhiệm giải trình, công bố thông tin và chịu trách nhiệm với các bên liên quan và trước xã hội về các hoạt động và sản phẩm của mình.

Đây cũng là vấn đề sống còn của các trường đại học và cũng là xu thế của thế giới học thuật hiện nay. Minh bạch về thông tin, đi kèm với yêu cầu về chất lượng, sự giải trình ngày càng cần rõ ràng, chuyên nghiệp và khẳng định uy tín của các trường”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung đánh giá.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, có nhiều vấn đề quan trọng trong kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo được đặt ra, ví dụ như vấn đề về nhân sự tham gia đánh giá ngoài các chương trình đào tạo.

Cụ thể, hệ thống hiện nay có khoảng 6500 chương trình đào tạo; trong khi đó thời gian qua, cả nước cũng chỉ có khoảng hơn 300 kiểm định viên được cấp thẻ. Do đó, khi kiểm định chương trình đào tạo, theo quy định mỗi đoàn đánh giá ngoài có từ 5-7 kiểm định viên nhưng không phải chương trình nào cũng có đủ kiểm định viên có chuyên môn đúng với chương trình được kiểm định.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, cho dù trong kỳ thi sát hạch kiểm định viên vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp thêm thẻ kiểm định viên cho đội ngũ mới hơn 100 người, nhưng tình trạng “thiếu” kiểm định viên các ngành/chuyên ngành cụ thể như thời gian qua chắc chắn vẫn chưa thể giải quyết được ngay.

Ngoài ra, với Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, các trung tâm kiểm định cần phải xây dựng cơ chế nhận xét kiểm định viên công bằng, xử phạt, đào thải nếu vi phạm liêm chính nghề nghiệp hoặc yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ. Chuyên gia cho rằng đây cũng là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết.

Vấn đề thứ hai là về các công cụ (bộ tiêu chuẩn, tiêu chí và các phương pháp đánh giá), cơ chế triển khai (các quy định, quy trình, nguồn lực). Tất cả những vấn đề này đang được hoàn thiện dần, nhưng chắc chắn không thể trong một thời gian ngắn.

Vấn đề tiếp theo là cơ sở dữ liệu công khai, minh bạch. Chuyên gia cho rằng cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia với đầy đủ số liệu, thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng mà các cơ sở giáo dục phải đăng ký, cập nhật và chịu trách nhiệm… để hỗ trợ, thuận lợi cho công tác quản lý và kiểm định.

dsc1372-721.jpg
Ảnh minh họa: USTH

Phân tích sâu hơn về kết quả kiểm định chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục, Tiến sĩ Trần Đình Quang cho hay:

“Kết quả phân tích mức đạt của các chương trình đào tạo đối với các tiêu chí kiểm định cho thấy, rất nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí 3.2 (thiết kế chương trình dạy học), 5.3 (phương pháp đánh giá kết quả học tập) và 11.4 (nghiên cứu khoa học của người học)”.

Nhấn mạnh thêm về kết quả này, Tiến sĩ Trần Đình Quang khẳng định kết quả này phản ánh nhận thức và thực hành của đơn vị đào tạo, giảng viên chưa đủ cao chứ không phải hoặc không chỉ là do bản thân chương trình đào tạo chưa đạt.

Có nhận định điểm yếu các chương trình đào tạo của Việt Nam là Kiểm tra-đánh giá người học, Tiến sĩ Trần Đình Quang cho rằng đánh giá như vậy là chưa chính xác. Theo Tiến sĩ Quang, chương trình đào tạo được đánh giá có Tiêu chí 5.3 về phương pháp đánh giá kết quả học tập (chẳng hạn) là mức 3 (Chưa đạt) nhưng sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo này lại thể hiện rất tốt tại đơn vị, doanh nghiệp công tác, thậm chí giữ những vị trí trọng trách cao trong xã hội.

Do đó, chuyên gia nhận định vấn đề ở đây là nhận thức (phần lí thuyết) về “mô tả chương trình” chứ không hẳn là bản thân chương trình đào tạo.

“Do nhận thức về tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục chưa đầy đủ, một số cơ sở giáo dục chưa cử đúng người tham gia Ban Thư kí giúp việc cho các Hội đồng tự đánh giá. Chưa kể, hoạt động tự đánh giá là một công việc mới và khó nên hầu hết không ai muốn tham gia”, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh lấy dẫn chứng minh họa.

Kiến nghị thúc đẩy văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học

Để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao hơn, Tiến sĩ Trần Đình Quang nhấn mạnh, cần duy trì và nâng cao tính độc lập trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường chính sách thúc đẩy tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Điều quan trọng là phát triển văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

“Mỗi khi văn hóa chất lượng lượng được hình thành thì việc các cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng là hiển nhiên. Khi đó, chúng ta không còn cần phải chú trọng đến kiểm định chất lượng giáo dục nữa mà chỉ duy trì cơ chế bảo đảm chất lượng nội bộ (Internal Quality Assurance) và xếp hạng đại học để đối sánh và khẳng định vị thế mà thôi”, chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Đưa ra khuyến nghị đối với các cơ sở giáo dục đại học, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh đề xuất các cơ sở giáo dục cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bao gồm cả nhân sự và chính sách vận hành.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực giảng viên về phát triển chương trình dạy học theo OBE, năng lực vận dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra, về nghiên cứu khoa học và ứng dụng/chuyển giao khoa học công nghệ, và về sở hữu trí tuệ.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Tiến sĩ Trần Đình Quang đề xuất cần kịp thời rà soát và thống nhất hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục như Nghị định về đầu tư trong giáo dục thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Nghị định135/2018/NĐ-CP; Thông tư thay thế Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT quy định về việc thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với Luật 34/2018/QH14 hiện hành; rà soát và ban hành các thông tư thay thế Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT để cập nhật các bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục nhằm khắc phục các tồn tại của các bộ tiêu chuẩn tương ứng hiện hành (Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT đã ban hành 10 năm, Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT cũng đã được 6 năm); các văn bản về công tác tài chính cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; văn bản về công nhận minh chứng số…

Quan tâm tới yêu cầu về đội ngũ kiểm định viên, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục Sài Gòn đề xuất, việc yêu cầu mỗi trung tâm kiểm định chất lượng phải có một số lượng nhất định kiểm định viên cơ hữu nên xem xét lại để tránh tình trạng các trung tâm chỉ sử dụng các kiểm định viên lớn tuổi hoặc những người chưa đủ uy tín để thực hiện các đánh giá rất quan trọng có sự ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đại học như hiện nay.

“Chuẩn hóa các trung tâm kiểm định thông qua yêu cầu nghiêm khắc về đội ngũ lãnh đạo, quản lý và hỗ trợ chuyên nghiệp, chứ không phải là yêu cầu phải có đủ đội ngũ kiểm định viên, do kiểm định viên cần phải là những người đang công tác tại các cơ sở đại học, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh.

Nguồn: Doãn Nhàn – giaoduc.net.vn