Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương đã hoàn thành phương án và ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 5 năm 2023.
Thông tư 08 cũng quy định: “Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, thời hạn để các địa phương hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo là trước ngày 30/11/2023.
Vậy đến nay, các việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tại các địa phương đang thực hiện ra sao? Đã có bao nhiêu địa phương báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo?
4 lý do giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, khi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT được ban hành, một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đã được tháo gỡ. Do đó, từ thời điểm ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, các địa phương đã khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.
“Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương đã hoàn thành phương án và ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp”, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thông tin.
Tuy nhiên, qua báo cáo của địa phương, bên cạnh những giáo viên đã đạt đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và được ban hành quyết định bổ nhiệm thì hiện vẫn còn giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Về lý do giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho biết có 4 trường hợp chính.
Thứ nhất, chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo: Những giáo viên này nếu thuộc đối tượng đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP thì đang hoặc sẽ được địa phương cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo lộ trình. Trường hợp không thuộc đối tượng đào tạo nâng trình độ chuẩn thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh giáo viên hiện đang được xếp cho đến khi nghỉ hưu.
Thứ hai, giáo viên mới tuyển dụng và đang trong thời gian tập sự: Những giáo viên này sau khi hoàn thành giai đoạn tập sự và được đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Thứ ba, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ hạng: Theo quy định, để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II, giáo viên phải có tổng 9 năm giữ hạng III cũ, II cũ và tương đương. Những trường hợp này sẽ được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT khi đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ hạng.
Thứ tư, giáo viên thuộc trường hợp phải bổ nhiệm lại: Theo quy định tại khoản 12 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, kể từ ngày 03/11/2015 đến ngày Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông được bổ nhiệm vào hạng cao hơn sau khi hết thời gian tập sự hoặc sau khi đạt trình độ đào tạo cao hơn trình độ quy định nhưng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn khác cũng như chưa trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền tổ chức thì phải thực hiện bổ nhiệm lại vào đúng hạng theo quy định (bao gồm cả trường hợp tuyển dụng trước ngày 03/11/2015 và hoàn thành thời gian tập sự theo quy định sau ngày 03/11/2015). Đối với những trường hợp này, địa phương cần thời gian rà soát lại các quy định có liên quan từ thời điểm giáo viên được tuyển dụng và quá trình công tác, các thành tích trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên để đề xuất phương án bổ nhiệm phù hợp, đúng quy định.
Địa phương chậm trễ bổ nhiệm, giáo viên được truy lĩnh chế độ khi nào?
Đến thời điểm hiện tại là tháng 3/2024, tức đã quá 4 tháng theo quy định về việc hoàn thành bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, tuy nhiên thông tin phản ánh của nhiều giáo viên về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện xong việc bổ nhiệm và xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021 và Thông tư 08/2023.
Thông tư được ban hành cùng thời điểm và triển khai đồng loạt trên cả nước, nhưng có nơi hoàn thành sớm, có nơi lại quá chậm dẫn đến nhiều thiệt thòi cho giáo viên.
Nhiều thầy cô băn khoăn, địa phương bổ nhiệm, xếp lương mới chậm trễ, giáo viên có được truy lĩnh tiền? Về vấn đề này, trước đó Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã trao đổi với địa phương và theo như đại diện Sở Nội vụ của một tỉnh cho biết chưa có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên, Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho biết giáo viên có thể được truy lĩnh.
Cụ thể, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ thông tin, ngày 18/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 7065/BGDĐT-NGCBQLGD để đôn đốc địa phương hoàn thành việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương xem xét, quyết định thời điểm bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho giáo viên. Trường hợp địa phương xác định thời điểm giáo viên được bổ nhiệm trước ngày ban hành quyết định bổ nhiệm thì giáo viên sẽ được truy lĩnh chế độ (nếu có) theo quy định.
Nguồn: Doãn Nhàn – giaoduc.net.vn