Ban soạn thảo dự luật Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) rút đề xuất dành hơn 9.200 tỷ đồng để miễn học phí cho con ruột, con nuôi hợp pháp của giáo viên.
Trưa 24/10, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, sau khi kết thúc phiên họp lần thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá lại và quyết định bỏ đề xuất chi hơn 9.200 tỷ đồng mỗi năm để miễn học phí cho con giáo viên theo dự thảo Luật Nhà giáo nêu trước đó.
“Việc rút đề xuất này được xem xét dựa trên nguyện vọng của giáo viên, chuyên gia và dư luận xã hội. Nhiều giáo viên, nhà quản lý lo ngại đề xuất này không khả thi, tạo bất công với những ngành nghề khác”, ông Đức nói.
Cục trưởng cũng nhấn mạnh, những nội dung nào nhận được sự đồng thuận cao từ giáo viên và dư luận, Bộ GD&ĐT mới xem xét đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo để trình Quốc hội thảo luận. Bộ luôn mong muốn Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo những chính sách mới, giúp giáo viên yên tâm công tác, thu hút được người giỏi vào ngành.
Ông cũng cho biết thêm, dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất cũng điều chỉnh đề xuất “không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận” thành “không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm khi chưa có kết luận chính thức hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với nguyện vọng của giáo viên, nhà quản lý giáo dục.
Ngày 8/10, tại phiên họp xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Đề xuất nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa phần không đồng thuần.
Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT đề xuất xây dựng từ năm 2022, dự kiến được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp 8, Quốc hội khoá XV (trong tháng 11 tới).
Dự thảo luật đề cập 5 nhóm chính sách, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Ở dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung một số quy định về cách đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá năng lực nhà giáo, quyết định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, thăng chức, tăng lương, khen thưởng.
Nguồn: Hà Cường – vtcnews.vn