Cục trưởng Cục Nhà giáo: Giấy chứng nhận nghề nghiệp được cấp miễn phí

Cục trưởng Vũ Minh Đức nhấn mạnh, nếu đưa vào luật quy định nhà giáo cần có giấy chứng nhận nghề nghiệp thì sẽ có điều khoản chuyển tiếp thuận tiện.

Mới đây, đề xuất đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đây là nội dung đặt vấn đề để xin ý kiến rộng rãi đội ngũ nhà giáo và xã hội, trên cơ sở đó Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Báo Chính phủ

Cục trưởng chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo hiện nay

Theo Cục trưởng Vũ Minh Đức, còn nhiều bất cập trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo hiện nay. Cụ thể, nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập cần phải và được quyết định công nhận hết tập sự và có quyết định tuyển dụng; khi thuyên chuyển đến cơ sở giáo dục khác thì các quyết định đó không có giá trị sử dụng, gây khó khăn cho nhà giáo.

Mặt khác, trong quá trình phát triển chuyên môn nghiệp vụ, nhà giáo phải được đánh giá và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thủ tục này chưa thật sự hợp lý.

Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng nhìn nhận, nhà giáo của các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được đánh giá để công nhận hết tập sự và xác nhận thăng tiến về năng lực hoạt động giáo dục, chuyên môn, nghiệp vụ để làm căn cứ cho việc bảo đảm các chế độ chính sách; gây bất bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập và có thể là giữa các nhà giáo trong cùng một cơ sở giáo dục ngoài công lập; đồng thời gây khó khăn cho việc trao đổi nhà giáo giữa 2 loại hình cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc trao đổi nhà giáo giữa Việt Nam và các nước khác ngày càng nhiều.

“Vì luôn có khoảng cách nhất định giữa trình độ đầu ra của các trường đào tạo nhà giáo với các yêu cầu kĩ năng, năng lực thực tế đối với nhà giáo, nên việc không có giấy xác nhận năng lực nghề nghiệp của các nhà giáo thường gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng nhà giáo từ nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, đồng thời cần đến nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các nhà giáo và cơ sở giáo dục khi có trao đổi nhà giáo với nước ngoài, kể cả nhà giáo là người Việt Nam ra nước ngoài và nhà giáo là người nước ngoài vào Việt Nam”, Tiến sĩ Vũ Minh Đức đánh giá.

Cục trưởng Vũ Minh Đức khẳng định: “Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để xác nhận họ đáp ứng đủ các yêu cầu hoạt động nghề nghiệp nhà giáo (giảng dạy, giáo dục), khắc phục được những bất cập nêu trên”.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng “suốt đời”?

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo nếu được đưa vào sử dụng, theo Cục trưởng, điều này sẽ mang lại tác động tích cực đối với cả nhà giáo và cơ sở giáo dục; không làm phát sinh thủ tục hành chính và quá trình chuyển tiếp thuận tiện.

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhận định, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi về nơi hoạt động nghề nghiệp.

Theo đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức cũng nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục, đồng thời bỏ được chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay, vì giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, trong nội dung của giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có ghi lại quá trình thăng hạng chức danh nhà giáo.

Cũng theo Cục trưởng, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế.

“Hiện nay, đa số các nước đòi hỏi người hoạt động giáo dục phải có giấy phép hoặc giấy xác nhận năng lực nghề nghiệp. Việt Nam và các nước khác sẽ công nhận lẫn nhau các loại giấy phép này theo các điều ước chung và những quy định cụ thể khác; giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam”, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết.

Trước những lo ngại về việc giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ làm nảy sinh thêm các thủ tục mang tính hành chính cho nhà giáo, Cục trưởng Vũ Minh Đức khẳng định việc này “không làm phát sinh thủ tục hành chính”.

Theo đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp miễn phí, thay thế Quyết định công nhận hết tập sự (hiện hành) cho người đã hoàn thành chế độ tập sự và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt tiêu chuẩn từ mức đạt (mức thấp nhất) trở lên theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo của một cấp học hoặc trình độ đào tạo.


Dự kiến nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp

Ở các cơ sở giáo dục đại học, khi cơ sở có nhu cầu thì những người đã có nhiều kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, nếu đạt tiêu chuẩn có thể được xét bổ nhiệm chức danh lần đầu không phải là giảng viên mà là giảng viên chính hoặc giảng viên cao cấp và được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo mà không cần qua chế độ tập sự.

Cuối cùng, Cục trưởng Vũ Minh Đức nhấn mạnh rằng, nếu đưa vào luật quy định nhà giáo cần có giấy chứng nhận nghề nghiệp thì sẽ có điều khoản chuyển tiếp thuận tiện.

Cụ thể, khi Luật Nhà giáo có hiệu thi hành, nhà giáo đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo mà không cần đánh giá sát hạch.

“Nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp”, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nói thêm.

Nguồn: Doãn Nhàn – giaoduc.net.vn