Chiều ngày 16/01, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH; Văn phòng Chính phủ, cùng các tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh cho biết: trong năm 2023, công tác tuyển sinh của ước đạt 2.295.000 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.765.000 người. Đây là kết quả có tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.
Về mạng lưới cơ sở GDNN, hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2%) . So với thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, cả nước đã giảm được 181 cơ sở GDNN công lập (giảm 14%). Tổng cục GDNN đã tham mưu Bộ LĐTBXH hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập theo quy hoạch.
Về hoạt động tăng cường các hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục đã không ngừng được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho toàn hệ thống GDNN đổi mới, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút được nhiều đối tác tiềm năng mới quan tâm hợp tác với lĩnh vực GDNN như các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Phần Lan,…
Đối với công tác chuyển đổi số GDNN, triển khai Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số trong hệ thống GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học và mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong GDNN, rất nhiều cơ sở GDNN đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin trong đào tạo nghề; xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt. So với năm 2022, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trọng số 4.82 trên thang điểm 7 đã tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp 4 và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia.
Sự tăng tiến của chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam cũng có thể thấy rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vào tháng 3 năm 2023. Theo đó, chất lượng đào tạo nghề Việt Nam trên thang điểm 6 đã đạt 4.4 điểm (năm 2018 chỉ đạt 3.8 điểm). Báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện dựa trên kết quả điều tra đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị
Sang năm 2024, Tổng cục GDNN đã đề ra phương hướng hoạt động, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN. Quyết liệt, chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động trọng tâm, đột phá của Chiến lược phát triển GDNN và Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo lộ trình. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận những đóng góp của tập thể Lãnh đạo và cán bộ Tổng cục GDNN trong năm 2023.
‘’Năm 2023, là một năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với tập thể Lãnh đạo, cán bộ Tổng cục GDNN. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, đồng lòng các đồng chí đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nổi bật trong đó là kết quả tuyển sinh và các hoạt động tăng cường các hợp tác quốc tế về GDNN giúp thu hút được nhiều đối tác nước ngoài đầu tư vào GDNN. Đây là những điểm sáng trong công tác GDNN’’ – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sang năm 2024, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục GDNN tiếp tục bám sát công tác rà soát, đánh giá Luật GDNN; nghiên cứu các điều bổ sung để Luật GDNN gắn liền với bối cảnh kinh tế thị trường giúp nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực GDNN; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo viên giảng dạy, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành khung tham chiếu của Việt Nam đối với cấu phần GDNN; Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN;…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số gắn liền với truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông các hoạt động về GDNN nhằm nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, xã hội hóa trong GDNN.
Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và các đại biểu tham dự
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng khẳng định thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ do Bộ và các Lãnh đạo Bộ giao phó, đảm bảo tinh thần dân chủ trong đơn vị, tạo sự đoàn kết để khai thác tốt nhất những cơ hội phát triển GDNN trong năm 2024.
Nguồn: molisa.gov.vn