Bài viết làm rõ những tương đồng trong ứng phó của các hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trước các cơ hội và thách thức do tiến trình HNQT và CMCN4 đem lại.
Nếu hội nhập quốc tế (HNQT) tác động tới thị trường lao động theo hướng đem đến cho thị trường này một chiều đo quốc tế thì tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) mạnh hơn nhiều.
Nó khiến thị trường lao động chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới với việc hình thành thế giới việc làm 4.0.
Thế giới việc làm 4.0 là thế giới việc làm trong đó con người cạnh tranh với robot trong một môi trường làm việc số hóa và tự động hóa.
Trong cuộc cạnh tranh này, robot sẽ thay thế con người trong một loạt công việc và nhiệm vụ lập đi lập lại, dù là trí óc hay chân tay, nói chung là những việc làm có thể thuật toán hóa.
Nhưng chính nhờ được giải phóng khỏi những việc làm nhàm chán, con người sẽ có điều kiện và bắt buộc phải phát huy hết tiềm năng của mình để vượt lên robot trong những việc làm không thể hoặc chưa thể thuật toán hóa, cùng hàng loạt những việc làm mới, không lường trước được, sẽ nẩy sinh do tiến bộ công nghê cùng với sự thay đổi của quy trình sản xuất và nhu cầu xã hội.
Dĩ nhiên, để được như vậy, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể mà còn phải có những kỹ năng rộng hơn, bao gồm các kỹ năng nền tảng tương đối rộng để ứng phó với sự thay đổi và những kỹ năng người (human skills) không thể thuật toán hóa, như giao tiếp, hợp tác, tư duy phê phán, sáng tạo, hiếu kỳ, kiên trì, bao dung.
Điều đó buộc GDNN phải đổi mới.
Theo enternews