Chiều 31/10, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Phiên họp Chính sách quản lý liên kết quốc tế trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ủy viên Tiểu ban Giáo dục đại học và một số ủy viên của các Tiểu ban chuyên môn thuộc Hội đồng; đại diện một số cơ quan trung ương; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Quá trình hơn 20 năm hợp tác, liên kết với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từ chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cơ hội hợp tác, đầu tư. Những hành lang pháp lý đã được quy định, bổ sung, đơn giản hóa thủ tục để thúc đẩy hợp tác, liên kết với nước ngoài trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vướng mắc xảy ra trong quá trình thực hiện.
Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 giao Bộ GDĐT quy định việc quản lý hoạt động cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc liên kết của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
Vì vậy, cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại để nâng cao chất lượng và hiệu quả của liên kết đào tạo với nước ngoài, cần có quy định chi tiết và rõ ràng hơn trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo để hướng dẫn chi tiết cho các trường thống nhất thực hiện trong thực tiễn.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng báo cáo tại phiên họp
Trình bày dự thảo Quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết: Cấu trúc Dự thảo thông tư gồm 7 điều, quy định về đối tượng áp dụng; Hình thức liên kết đào tạo; Tuyển sinh; Tổ chức và quản lý đào tạo; Công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng; Tổ chức thực hiện; Hiệu lực thi hành.
Trong đó, về tuyển sinh, khẳng định quy mô và chỉ tiêu đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo sử dụng chung các điều kiện bảo đảm chất lượng nằm trong tổng quy mô đào tạo của cơ sở liên kết đào tạo phía Việt Nam. Quy định về thời gian tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trước khi trúng tuyển, nhập học và tổ chức giảng dạy chính khóa.
Về công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, dự thảo thông tư bổ sung thông tin trên phụ lục văn bằng cấp cho người học để bảo đảm quyền lợi và việc công nhận văn bằng của người học. Quy định trách nhiệm của cơ sở liên kết đào tạo hỗ trợ việc công nhận văn bằng cho người học trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để sử dụng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Vang, Nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GDĐT trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến, góp ý cho dự thảo thông tư Quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Đánh giá cao mục đích và ý nghĩa của dự thảo thông tư, ông Nguyễn Xuân Vang, Nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GDĐT cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học cần dựa trên sự tự chủ, sáng tạo và nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục trong nước. Các cơ chế, chính sách hiện tại, mặc dù đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn những bất cập cần điều chỉnh.
Việc đa dạng hóa các chương trình liên kết đào tạo và khuyến khích sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học uy tín từ nước ngoài sẽ không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp Việt Nam từng bước hội nhập mạnh mẽ hơn vào mạng lưới giáo dục toàn cầu. Để thực hiện được điều này, cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi và minh bạch cho hoạt động liên kết đào tạo, hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng trao đổi tại phiên họp
GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các quy định về hình thức đào tạo, tuyển sinh, và quản lý chương trình, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách, đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng trong hợp tác giáo dục quốc tế, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu.
Ủng hộ và đánh giá cao định hướng soạn thảo thông tư, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, dự thảo thông tư bên cạnh những quy định chi tiết, cần nhấn mạnh về đa dạng văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên và giảng viên các nước; tiếp cận giáo dục mở nhưng phải chặt chẽ về việc dạy và học, quản lý liên kết đào tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng khẳng định, dự thảo cần giải quyết được những vấn đề bất cập hiện nay, đó là: Xây dựng chương trình liên kết theo hướng mở, hội nhập; thống nhất trong kiểm định chất lượng; thực hiện đúng hướng tinh thần Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; nâng cao vai trò tự chủ, năng lực quản lý của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; phù hợp với nguồn lực, điều kiện của Việt Nam; bảo vệ quyền lợi của người học.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cảm ơn các ý kiến đóng góp rất cụ thể, chi tiết của các đại biểu cho dự thảo thông tư, góp phần gợi mở những vấn đề chung trong quốc tế hóa giáo dục đại học.
Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu đối đa các ý kiến, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo tính vĩ mô nhưng cụ thể, thực hiện tốt những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện – moet.gov.vn