Sáng 20/11, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành Giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng tham gia phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo
Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hoá đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện Luật Nhà giáo.
Đại biểu nhận định, dự thảo Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Cả về quan điểm, chủ trương của Đảng lẫn sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của Nhà giáo, nhưng thực tế, hệ thống pháp luật sau thời gian dài vẫn chưa có luật riêng về nhà giáo. Do đó, việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương bày tỏ nhất trí với việc xây dựng Luật Nhà giáo; việc xây dựng Luật nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục thì còn phải giải quyết được những vấn đề còn nổi cộm, những vấn đề đang đặt ra đối với ngành giáo dục hiện nay. Đó là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên bỏ nghề, giải quyết được tình trạng giáo viên bị ứng xử không đúng chuẩn mực từ phía học sinh, từ phía phụ huynh và cả xã hội, giải quyết được hiện tượng giáo viên có những ứng xử không chuẩn mực với học sinh, với phụ huynh học sinh và trong cuộc sống nói chung.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương cho rằng, dự thảo Luật đã bám rất sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà giáo
Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã bám rất sát những mục tiêu trên, đưa ra những chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục; đề ra được những yêu cầu rất cụ thể về phẩm chất, năng lực, chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo…
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu rõ, dự thảo Luật Nhà giáo đã thể hiện được tinh thần cầu thị, lắng nghe của Ban soạn thảo đối với việc điều chỉnh nội dung, cấu trúc theo hướng ngắn gọn, thống nhất với một số quy định tại các luật có liên quan cũng như thiết kế nội dung chính sách riêng cho nhà giáo, thể hiện đúng quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đáp ứng yêu cầu giáo dục và định hướng phát triển đất nước trong tương lai.
Về những điểm mới trong dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy quyền và nghĩa vụ của nhà giáo cũng được quy định rất rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống, đồng thời cũng quy định những việc không được làm, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế nhà giáo.
Thống nhất cao giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo
Quan tâm tới thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, đại biểu Trần Văn Thức , đoàn Thanh Hoá chia sẻ: Từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành Giáo dục, tôi nhận thấy thực trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ngày càng trầm trọng. Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hoá khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo
Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Ví dụ: việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các yếu tố đặc thù của nhà giáo …
Việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GDĐT, Phòng GDĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn. Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát: địa phương không thể tuyển được giáo viên, không thể tổ chức dạy một số môn học…
“Do vậy, tôi hết sức đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Theo đó, Bộ GDĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo. Đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa-thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương”, đại biểu Trần Văn Thức nói.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, đoàn Đồng Nai cho rằng, những nội dung đưa ra trong dự thảo Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
Cũng quan tâm tới quy định về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám nhận thấy, dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.
Đại biểu cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng tại điểm a khoản 3 về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định…
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh, đoàn Đồng Nai đồng thuận với những nội dung đưa ra trong dự án Luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 16, việc tuyển dụng nhà giáo thì phương thức tuyển dụng là thông qua xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải thực hành sư phạm. Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, đây là một ngành đặc thù nên cần có quy định đặc thù. Nếu như trong trường sư phạm cần có bộ môn phương pháp, kiến tập và thực tập thì khi thực hành sư phạm cần đầy đủ kỹ năng của một giáo viên đứng lên bục giảng để có thể giảng dạy được.
Nhiều ý kiến đồng tình xem xét thấu đáo dạy thêm vì là nhu cầu có thật
Đề cập về việc học thêm, dạy thêm, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, Bộ GDĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này; trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh
Nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, điều này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Về những việc mà nhà giáo không được làm, tại điểm c khoản 2 Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật.
“Nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống”, đại biểu Chamaléa Thị Thủy nhận định.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh trao đổi tại phiên thảo luận
Cũng quan tâm tới vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, chỉ việc học thêm với mục đích có điểm không đúng với năng lực thực sự do người dạy thêm không khách quan mới là điều cần chấm dứt. Đồng thời đề xuất cần xây dựng một ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi của từng chủ đề ở các môn học có nhiều độ khó khác nhau.
“Nếu cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô của mình dạy chính học sinh của mình thì các bài kiểm tra ở đó phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi với đầy đủ các độ khó trước khi làm bài kiểm tra, phản ánh đúng năng lực học sinh, đảm bảo công bằng cho tất cả các em”, đại niểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.
Tán thành “xếp lương nhà giáo cao nhất”; đảm bảo chính sách cho nhà giáo sang làm quản lý
Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này rất công phu; đồng thời cho rằng việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
Liên quan đến vấn đề về tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%. Do vậy, đại biểu thống nhất với quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao thống nhất quy định xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Đại biểu, Thượng toạ Thích Thanh Quyết, đoàn Quảng Ninh đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề tiền lương của nhà giáo, đảm bảo cao nhất trong khối các cơ quan hành chính sự nghiệp. Luật cũng có định hướng về nguyên tắc để Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương, tốt nhất có một thang, bảng lương riêng để nhà giáo để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và của Quốc hội.
Đại biểu, Thượng toạ Thích Thanh Quyết, đoàn Quảng Ninh ủng hộ dự án Luật Nhà giáo
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre cho rằng, việc điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập sang làm quản lý ở cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là họ sẽ bị mất các khoản phụ cấp. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu để đảm bảo chế độ thâm niên đối với trường hợp này…
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu nên cho nhà giáo được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên khi được điều động sang công tác tại cơ quan quản lý giáo dục. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các công tác điều động, sắp xếp cán bộ của ngành Giáo dục cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà giáo.
Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, đoàn Hà Giang, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.
Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Cần đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, trong dự án Luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác…
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền
Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.
Thời gian gần đây đôi lúc xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viện hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định đề nghị Điều 11 cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, Ban đại diện phụ huynh, cơ quan nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Bắc Ninh ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo
Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Bắc Ninh nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng. Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.
Đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội bày tỏ vui mừng vì Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giúp các nhà giáo không cần loay hoay giữa các hoạt động chuyên môn và ứng xử xã hội. Theo đại biểu, luật cần quy định thật khắt khe, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thật thỏa đáng để nhà giáo toàn tâm, toàn ý với nghề.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giúp các nhà giáo không cần loay hoay giữa các hoạt động chuyên môn và ứng xử xã hội
Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung, nhà giáo không chỉ nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp, mà phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đồng thời, cần quy định nhà giáo được ưu tiên trong các hoạt động xã hội. Phải cấm các hành vi, lời nói xúc phạm đến nhà giáo trong mọi trường hợp. Nhà giáo phải được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, không chỉ trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, mà phải được tôn trọng mọi nơi, mọi lúc.
Theo đại biểu Thái Văn Thành, đoàn Nghệ An, dự thảo Luật Nhà giáo là một trong những dự án luật được đông đảo cử tri quan tâm, được đội ngũ nhà giáo mong đợi từ lâu, kỳ vọng khi luật được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, cơ bản khắc phục được bất cập trong quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà lên tầm cao mới.
“Khi đã xem là đột phá chiến lược, là quốc sách thì dứt khoát phải có một vài ưu tiên”
Phát biểu tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hôm nay là ngày rất đặc biệt, là ngày lễ, ngày hạnh phúc của hơn 1 triệu người đang làm việc trong ngành Giáo dục. Và 20/11 năm nay đặc biệt hơn, niềm hạnh phúc các nhà giáo được nhân lên khi đúng thời điểm này Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo. Trước đó, Chính phủ, Quốc hội thống nhất xây dựng, trình dự thảo Luật Nhà giáo đã là sự động viên rất lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội
Bày tỏ cảm ơn với các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng cho rằng, với các quan điểm ủng hộ, tán thành cao, thống nhất rất cao đã được trao đổi, có thể cảm nhận sự đồng tình của các đại biểu; đó không chỉ là sự ủng hộ với dự thảo Luật Nhà giáo, mà còn là sự thể hiện trách nhiệm với ngành Giáo dục và với đất nước.
Với phần lớn các ý kiến của đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể, quy định chi tiết, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu từng ý kiến để đưa vào Luật nhưng phần lớn sẽ đưa sang các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Theo Bộ trưởng, ngoài Luật Nhà giáo còn có Luật Giáo dục và nhiều luật khác nên dự thảo Luật Nhà giáo không bao quát được. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng phải chấp nhận một vài điểm khác với các luật khác để phù hợp với sự phát triển của lực lượng nhà giáo. Ví dụ quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ khác với Luật Viên chức. “Nếu xét thấy khác nhưng phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, nếu khác nhưng mang lại sự tốt lành cho nhà giáo mong các đại biểu ủng hộ”, Bộ trưởng chia sẻ.
Về một số ý kiến đối với xếp lương nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng, chúng tôi cũng phải nhìn cùng các ngành khác, không muốn ngành của mình có đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái “bất thường”. Chỉ còn một điều, trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn phần lớn những nhà giáo chưa đủ sống. Khi đó không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được.
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo
“Trong bối cảnh hiện nay, đất nước vừa thoát nghèo, chưa giàu không thể “dàn hàng ngang ưu tiên cho mọi việc”. Nhưng khi đã xem là đột phá chiến lược, là quốc sách thì dứt khoát phải có một vài ưu tiên”, Bộ trưởng nói.
Đối với vấn đề dạy thêm được một số đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc “giáo viên ép buộc học sinh học thêm”.
Nhấn mạnh tiếp thu tối đa các ý kiến, bao gồm 90 ý kiến thảo luận tại tổ và 36 ý kiến thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một phần vì khó khăn của nhà giáo nhưng lý do chính yếu cần xây dựng và ban hành Luật là để phát triển đội ngũ nhà giáo,
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt những người làm giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các đại biểu Quốc hội đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện – moet.gov.vn