Việc tính toán để đưa ra tổ hợp xét tuyển vừa phù hợp với ngành đào tạo vừa bảo đảm được nguồn tuyển không bị giới hạn là rất quan trọng đối với các trường.
Nhiều năm qua, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là chủ đạo trong nhiều phương thúc xét tuyển được các trường sử dụng. Nhưng từ năm 2025, học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức thi, đề thi và quy định xét tốt nghiệp.
Khối ngành tự nhiên có thể bị ảnh hưởng
Theo kế hoạch thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn (trong số các môn vật lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ – công nghiệp, công nghệ – nông nghiệp, ngoại ngữ).
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng việc thi 4 môn trong đó có 2 môn tự chọn sẽ giúp các em chủ động hơn trong việc lựa chọn các môn học đáp ứng tổ hợp xét tuyển mà mình mong muốn và theo đúng thế mạnh, từ đó tập trung ôn luyện tốt hơn để đạt được điểm số cao và trúng tuyển vào trường ĐH đúng nguyện vọng.
Cùng quan điểm trên, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT chỉ 4 môn có thể giúp học sinh có thêm cơ hội tập trung vào những môn học sở trường, từ đó nâng cao điểm số tốt nghiệp. Điều này có thể giúp tăng tính phân hóa trong quá trình xét tuyển vào ĐH, khi các trường có thể yêu cầu các tổ hợp môn thi khác nhau tùy theo ngành học.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), đối với các trường có sức cạnh tranh lớn, các tổ hợp đa phần không nhiều và thường phản ánh đúng bản chất của lĩnh vực học (tự nhiên, kỹ thuật, văn hóa – nhân văn, nghệ thuật, y dược…).
Đối với các trường có sức cạnh tranh không cao lắm, việc sử dụng các tổ hợp truyền thống cũng là đủ để tuyển sinh. Ngoài ra, còn thêm các phương thức đánh giá khác như năng lực, tư duy… và xét tuyển dựa trên quá trình học tập THPT, nhằm đánh giá khả năng theo đuổi quá trình học tập ở bậc ĐH.
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường ĐH khác cho rằng thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn có thể ảnh hưởng đến các ngành học có yếu tố tự nhiên, như hóa, toán, vật lý lý thuyết, sinh… Các ngành học này có thể chịu ảnh hưởng nếu học sinh chủ yếu chọn những môn xã hội để dự thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến sự thiếu đa dạng trong nguồn tuyển sinh đối với các ngành khoa học tự nhiên. Vậy nên, việc giảm môn thi có thể khiến các trường ĐH dựa nhiều hơn vào các kỳ thi đánh giá năng lực độc lập như của ĐHQG TP HCM hoặc ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM.
Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến định hướng thi, chọn ngành của thí sinh cũng như vấn đề tổ hợp môn xét tuyển vào các trường ĐH. Về phía các trường ĐH, đòi hỏi cần linh hoạt điều chỉnh phương thức tuyển sinh ĐH chính quy sao cho phù hợp, trước mắt là sự thay đổi về tổ hợp xét tuyển để giúp học sinh có thể đăng ký vào những ngành theo nguyện vọng mà các em đã định hướng từ đầu cấp THPT.
PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo – Trường ĐH Nha Trang, cho rằng tổ hợp xét tuyển nếu sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có thay đổi đáng kể. Thông thường một tổ hợp xét tuyển có 3 môn thi, các trường sẽ sử dụng 2 môn thi bắt buộc và 1 môn thi tự chọn nào đó. Việc tính toán để đưa ra tổ hợp xét tuyển vừa phù hợp với ngành đào tạo, vừa bảo đảm được nguồn tuyển không bị giới hạn là rất quan trọng. Thậm chí, để không bị hạn chế nguồn tuyển sinh, các trường có thể chỉ sử dụng tổ hợp 2 môn thi bắt buộc (toán và ngữ văn, trong đó có môn thi nhân hệ số 2 để ra thang điểm 30). Với xu hướng hiện nay, tổ hợp toán, ngữ văn và ngoại ngữ (tiếng Anh) có thể là tổ hợp được sử dụng nhiều nhất.
Ngoài ra, các trường có thể sẽ đưa ra các phương thức xét tuyển kết hợp để sử dụng hiệu quả và tối ưu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì sử dụng đơn lẻ 1 kết quả nào đó. Chẳng hạn, Trường ĐH Nha Trang dự kiến sử dụng phương thức kết hợp giữa kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) và kết quả đánh giá năng lực người học (có thể là điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG, điểm thi tốt nghiệp THPT…).
TS Nguyễn Quốc Anh cho biết đối với Trường ĐH Công nghệ TP HCM, sau khi có văn bản hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT để làm căn cứ, trường sẽ đưa ra các tổ hợp xét tuyển mới và công bố đến thí sinh.
Nên công bố trúng tuyển ĐH sau khi có điểm tốt nghiệp
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết năm 2025, ĐHQG TP HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Đồng thời, ĐHQG TP HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.
ĐHQG TP HCM cũng sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền giảm bớt các phương thức tuyển sinh ĐH và chỉ công bố kết quả xét tuyển ĐH sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025.
Nguồn: Huy Lân – nld.com.vn