Cả nước có phong trào khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ khát khao làm chủ, nhưng chưa có giáo trình, khóa đào tạo mang tính bài bản về lĩnh vực này.
Chiều 11/12, tại diễn đàn “Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp” (trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 8), anh Dương Long Thành, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Long An đã chỉ ra bất cập trên. Các chương trình hội thảo, kênh truyền thông hô hào về khởi nghiệp rất nhiều, nhưng việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên lại ít được đề cập
Anh Dương Long Thành. Ảnh: Dương Tâm |
Nhớ lại cách đây 10 năm, khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Thành chia sẻ đã gặp nhiều khó khăn. Do không được tiếp cận tài liệu, chương trình nào về việc vận hành doanh nghiệp, anh phải tự học từ kiến thức về kế toán, tài chính, marketing, thị trường đến cách huy động vốn. Bản thân anh vấp phải nhiều “ổ voi, ổ gà” mà nếu không kiên trì và quyết tâm sẽ không vượt qua được.
Vì vậy, anh Thành cho rằng cần có bộ giáo trình hoặc chương trình đào tạo cụ thể, tương tự một môn học trong trường đại học, về các kỹ năng chuyên môn nhằm giúp bạn trẻ bớt bỡ ngỡ khi bắt đầu con đường “làm chủ”, đồng thời góp phần giúp các bạn dễ hình dung, khát khao khởi nghiệp hơn.
Có 5 năm tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp của TP HCM, anh Hồ Đức Hoàn, Giám đốc, đồng sáng lập Edu2Review, cũng nhận ra rằng Việt Nam đang rất khuyến khích thanh niên sáng tạo, làm chủ, nhưng làm thế nào để đào tạo thanh niên nhằm giúp họ có ý tưởng sáng tạo lại chưa được chú trọng đúng mức.
Theo một số thống kê, tỷ lệ thất bại của các startup công nghệ lên tới 90%, tức là cứ 100 ý tưởng lại có 90 cái thất bại. “Tôi cho rằng chúng ta phải quan tâm đến việc nâng tỷ lệ thành công thay vì nâng số lượng”, anh Hoàn nói.
Đại biểu đến từ TP HCM kiến nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần có cách kết nối các nguồn lực, hướng tới mỗi người khởi nghiệp được tham dự một khóa học, chương trình đào tạo, đồng thời có thể kết nối họ với những người thành công đi trước để được hướng dẫn. Cách làm này có thể nâng cao xác suất thành công, giúp người trẻ được tích luỹ kinh nghiệm, trang bị kiến thức bài bản.
Anh Hoàn cho biết hiện việc đào tạo cán bộ đoàn hội hỗ trợ công tác khởi nghiệp cũng như đào tạo kiến thức cho thanh niên đang theo hình thức “offline”, tổ chức các hội thảo, gặp gỡ trực tiếp. Điều này là cần thiết nhưng sẽ không thường xuyên. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có thể mở cổng thông tin đào tạo khởi nghiệp và kinh doanh, tổ chức ghi hình những chia sẻ của chuyên gia. Khi đó, thanh niên muốn tìm hiểu có thể xem mọi lúc, mọi nơi.
“Mọi kiến thức có thể được tiếp nhận từ một chiếc smartphone. Nếu có kho kiến thức như thế, việc học tập sẽ thuận tiện hơn rất nhiều”, anh Hoàn nói.
Anh Hồ Đức Hoàn. Ảnh: Dương Tâm |
Một đại biểu đến từ Quảng Bình cho hay hiện có hai đề án hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, nhiều hội thảo, tập huấn được tổ chức. Tuy nhiên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chưa có tài liệu chính thống nào giáo dục cho thanh niên. Đại biểu này mong muốn Hội có thể tập hợp, chọn lọc, tạo ra một bộ tài liệu để cán bộ đoàn hội có thể hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tốt hơn, đồng thời trang bị kiến thức cơ bản cho thanh niên.
Anh Phan Thanh Trẻ, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bến Tre, đề xuất các địa phương phải quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác khởi nghiệp. Tại Bến Tre, các đơn vị như Ban thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh liên kết với các học viện, trường đại học, chuyên gia để tổ chức lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho thanh niên về lập dự án, kế hoạch kinh doan…
“Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa thanh niên với lãnh đạo tỉnh, Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh để trao đổi những vướng mắc và kịp thời tháo gỡ”, anh Trẻ thông tin.
Dương Tâm