(Thanh tra) – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT và thủ trưởng các cơ cơ sở giáo dục đại học tiến hành thanh tra học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 – 2020.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT và thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học thanh tra thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020. Ảnh minh hoạ. Nguồn: HH
Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị xây dựng và tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) trong công tác chuẩn bị kỳ thi, coi thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2019 – 2020 tại các đơn vị.
Giám đốc Sở, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học lập biên bản và báo cáo ngay khi có phát hiện sai phạm, báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra gửi trước ngày 10/1/2020 về Bộ GD&ĐT.
Văn bản này được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký hôm nay (11/12), gửi Giám đốc Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Hiệu trưởng Đại học Vinh.
Liên quan đến những “lùm xùm” xung quanh việc tổ chức thi học sinh giỏi, đầu năm 2019, Bộ GD&ĐT đã có kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kì thi học sinh giỏi quốc gia từ năm 2015- 2017.
Theo kết luận này, nhiều vấn đề sai phạm trong kì thi được chỉ ra như: Việc ra đề thi, chấm thi, ban hành các văn bản liên quan đến cuộc thi chưa đúng.
Tại một số địa phương, người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố.
Trong đó, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), năm 2017 có 12 người; Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), năm 2017 có 21 người; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), năm 2016 có 7 người… là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn, ôn luyện học sinh giỏi.
Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi học sinh giỏi quốc gia khá ít nên dễ thiếu khách quan và có thể lộ đề.
Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ÐT chỉ rõ, danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành; người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật…
Kết quả việc kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017 cho thấy, giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng. Như bài thi số phách 4114 (môn Sinh học), điểm câu 1 ghi không đúng, khiến cho tổng điểm bài thi thực tế là 18,75 điểm nhưng được ghi là 19 điểm; bài thi số phách 5606 (môn Lịch sử) câu 6 được ghi là 2,5 điểm nhưng điểm thực tế chỉ là 2,25 điểm.
Tại môn Lịch sử, số phách 5209 và số phách 5325 có phiếu điểm thống nhất cùng là 13,75 nhưng in từ máy tính ra lại là 14 điểm…
Qua kiểm tra xác suất bốn bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo (hai bài môn Hóa học, hai bài môn Sinh học) cho thấy, không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi theo quy định; biên bản tổ chấm ghi không đúng với thực tế của việc tăng điểm bài thi…
Hải Hà