Đại diện nhiều trường đại học đánh giá, yêu cầu về tổng số bài báo khoa học đối với giảng viên mở ngành đào tạo trình độ ThS, TS mang lại nhiều tác động tích cực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư này có hiệu lực từ 05/01/2025.
Về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có bổ sung thêm yêu cầu về bài báo, báo cáo khoa học của tổng số giảng viên mở ngành đào tạo trong 5 năm gần nhất, trong khi quy định hiện hành không đặt ra yêu cầu này.
Theo đó, tổng số giảng viên mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ phải công bố ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học; tổng số giảng viên mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Số lượng bài báo khoa học là cơ sở xác định trách nhiệm của đội ngũ mở ngành
Trước điểm mới này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: “Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học trên cả nước nói chung.
Các công trình khoa học trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm mở ngành đào tạo thể hiện yêu cầu về mức độ chuyên sâu, tính thường xuyên, liên tục của quá trình nghiên cứu gắn với ngành/lĩnh vực, đồng thời thể hiện “tầm vóc” về chuyên môn của những người mở ngành đào tạo”.
Cô Thủy thông tin, việc bổ sung yêu cầu tổng số bài báo tạo ra căn cứ pháp lý chính thức để Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đưa nội dung này vào các kế hoạch, tiêu chí đánh giá hàng năm đối với nhóm giảng viên tham gia đào tạo sau đại học.
Đây cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo có trình độ cao tham gia phát triển ngành đào tạo, thông qua đó giảng viên tự nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của bản thân và chất lượng đào tạo của học viện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy nói thêm: “Đối với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, nội dung Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng lớn, buộc học viện phải điều chỉnh, có kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi triển khai mở ngành.
Tiến độ mở ngành đào tạo có thể bị chậm lại so với dự kiến là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lãnh đạo học viện đã có những quan điểm rõ ràng, định hướng cho đội ngũ giảng viên về tâm thế, sự chuẩn bị chủ động cho những đòi hỏi ngày càng cao đối với các tiêu chuẩn mới đặt ra”.
Cùng bàn luận về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao những điểm mới trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành.
Cụ thể, thầy Long chia sẻ: “Thứ nhất, Thông tư đã bổ sung nhiều nội dung nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động chuyên môn liên quan đối với các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo.
Thứ hai, việc đưa ra những quy định rõ ràng hơn trong Thông tư cũng sẽ gỡ khó cho một số cơ sở đào tạo trong định hướng phát triển đội ngũ nhân sự, tăng số lượng các ngành, chương trình đào tạo.
Thứ ba, Thông tư cũng quy định cụ thể về yêu cầu bài báo, báo cáo khoa học của tổng số giảng viên mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Điều này tạo “sân chơi” công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục khi mở thêm ngành đào tạo.
Đây có thể là áp lực đối với một số đơn vị, nhưng theo tôi, các cơ sở giáo dục đại học bắt buộc phải có những tiêu chí định lượng cụ thể, để cạnh tranh và giám sát lành mạnh”.
Thầy Long chia sẻ, những thay đổi trên tác động tích cực đến việc mở ngành đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam, giúp học viện đưa ra lộ trình chuẩn bị, tổ chức các hoạt động cụ thể để phát triển các chương trình, ngành đào tạo.
Yêu cầu về số lượng bài báo khoa học tác động tích cực đến nhiều đối tượng
Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Phi Long, yêu cầu cụ thể về số lượng bài báo, báo cáo khoa học của đội ngũ nhân sự tham gia mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mang lại tác động tích cực cho 3 nhóm đối tượng.
Thứ nhất, đối với các giảng viên tham gia mở ngành và sau này là giảng dạy các chương trình. Bản thân giảng viên phải nỗ lực để đáp ứng chuẩn yêu cầu. Hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy luôn có mối quan hệ mật thiết. Kết quả nghiên cứu khoa học sẽ củng cố bài giảng của thầy cô, từ đó nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên.
Thứ hai, đối với người học. Người học được thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ nhà khoa học tham gia mở ngành và giảng dạy thông qua chất lượng của chương trình đào tạo. Từ đó, người học hình thành tinh thần, ý thức, thái độ, động cơ, động lực tích cực trong các hoạt động của bản thân ở cơ sở giáo dục.
Thứ ba, đối với các cơ sở giáo dục. Đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện khi phát triển thêm các chương trình, ngành đào tạo, do đó sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện đúng quy định (đặc biệt đối với những cơ sở giáo dục được quyền tự chủ mở ngành), tránh làm sai.
Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, qua đó nâng cao chất lượng của hoạt động đào tạo.
Cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc bổ sung yêu cầu về bài báo, báo cáo khoa học, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học kéo theo việc nâng cao nhiều tiêu chuẩn khác, trong đó có tiêu chuẩn quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên.
Các trường đại học muốn nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ bắt buộc phải nâng cao chuẩn về đội ngũ, đặc biệt là yêu cầu về nghiên cứu khoa học. Khía cạnh nghiên cứu khoa học và giảng dạy buộc phải song song, đồng đều.
Theo tôi, yêu cầu về số lượng bài bài, báo cáo khoa học đối với đội ngũ giảng viên để mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là hợp lý, tác động tích cực đến cả người học và người dạy.
Khi người dạy tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ, người học cũng sẽ được đào tạo tốt hơn. Người học ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sẽ không chỉ có khả năng ứng dụng, thực hành mà bản thân họ cũng có thể trao truyền những kiến thức về mặt phương pháp, lý luận”.
Cần có cơ chế riêng đối với những ngành đặc thù
Để việc thực hiện quy định về công bố bài báo, báo cáo khoa học được diễn ra thuận lợi, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng đề xuất, cần mở ra chế riêng đối với những ngành đặc thù.
“Chúng ta cần có quy định hợp lý, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của giảng viên. Từ đó, có hướng đi tương ứng để phát triển các ngành đặc thù. Ví dụ như ngành nghệ thuật, có thể quy đổi các “sản phẩm” tương ứng với bài báo khoa học, như việc dàn dựng một chương trình nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
Chúng ta cần phát triển theo cả hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng, thực hành nghề nghiệp, không nên “dàn hàng ngang” tất cả đều là nghiên cứu. Tất nhiên, vẫn phải giữ chuẩn, không hạ thấp so với chuẩn chung nhưng tùy thuộc vào từng ngành, lĩnh vực để có sự điều tiết phù hợp” – thầy Tùng nói.
Trường đại học có kế hoạch để giảng viên đáp ứng yêu cầu về bài báo khoa học
Đề cập đến mức độ đáp ứng yêu cầu về bài báo, báo cáo khoa học của đội ngũ giảng viên Học viên Thanh Thiếu niên Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy cho biết, số lượng công bố của các thầy cô tăng mạnh hàng năm, bao gồm cả công bố trong nước và quốc tế.
Trong quá trình đó, đội ngũ giảng viên có những khó khăn bước đầu về phương pháp tiếp cận và việc đảm bảo các yêu cầu về cấu trúc đối với công bố.
Tuy nhiên, với định hướng hình thành nhóm nghiên cứu trong các trở lại đây, đội ngũ giảng viên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam từng bước tăng tốc và có những dấu hiệu bứt phá về số lượng công bố ở một số giảng viên tiêu biểu, năng lực nghiên cứu và công bố tốt.
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tăng cường công bố bài báo, cô Thủy chia sẻ: “Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hàng năm đều định kỳ mở các lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp công bố bài báo khoa học. Bên cạnh đó, học viện có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực cả về vật chất và tinh thần.
Đối với giảng viên có công bố quốc tế, học viện hỗ trợ kinh phí cao nhất 30.000.000 đồng/bài Q1. Đối với giảng viên được cử đi học tiến sĩ, học viện hỗ trợ kinh phí 50.000.000 đồng/giảng viên.
Giảng viên được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư được hỗ trợ 150.000.000 đồng, chức danh phó giáo sư được hỗ trợ 100.000.000 đồng. Các mức hỗ trợ này cũng được áp dụng đối với trường hợp giảng viên từ các cơ sở giáo dục đại học khác về công tác tại học viện.
Đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long thông tin, nhà trường đang đào tạo cả 3 trình độ (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) nên đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng các hoạt động đào tạo, giảng dạy.
Để thực hiện nhiệm vụ mở thêm một số ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, học viện có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, khoa học; đảm bảo mỗi ngành được thành lập đáp ứng chuẩn các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trong đó có yêu cầu về số lượng công trình, bài báo khoa học).
Thầy Long cho biết, hiện tại, việc công bố các bài báo, báo cáo, công trình khoa học trong nước của đội ngũ giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, năng lực công bố quốc tế của giảng viên còn hạn chế.
Để khắc phục điều này, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học, trong đó có thúc đẩy việc công bố quốc tế như hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện về thời gian, điều kiện làm việc, hỗ trợ toàn bộ học phí cho giảng viên, viên chức của học viện khi trở thành nghiên cứu sinh…
Bên cạnh đó, lãnh đạo học viện cũng ban hành quy định yêu cầu giảng viên còn thời gian công tác từ 10 năm phải có kế hoạch đi học nghiên cứu sinh chuyên ngành phù hợp với ngành đào tạo trình độ đại học của học viện.
Nguồn: Hồng Linh – giaoduc.net.vn