Các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục phải cần là một tổ chức đúng nghĩa không vì lợi nhuận góp phần cải tiến chất lượng cho giáo dục đại học Việt Nam…
LTS: Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài viết thông tin về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong đó nêu rõ những kết quả cũng như một số vướng mắc cần được tháo gỡ về văn bản pháp luật để công tác kiểm định được thông suốt, đạt hiệu quả.
Được biết, trong thời gian tới, nhiệm vụ của toàn ngành giáo dục nhất là giáo dục đại học và công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng đang được đặt ra hết sức nặng nề, đó là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học và việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Với mong muốn hiểu rõ hơn về những định hướng hoàn thiện văn bản pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước cho công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới và cần hướng đến hội nhập quốc tế nhanh hơn, Tạp chí có cuộc trao đổi với Giáo sư Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
PV: Thời gian qua, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 2 thông tư (Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm và Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm) được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Thưa Cục trưởng, phải chăng đây là bước đột phá về đánh giá, giám sát nhằm tăng chất lượng kiểm định viên trong nước?
Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật để các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thực hiện công tác đánh giá ngoài và thực hiện quy trình công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ bản đã hoàn thiện cho cả đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Tuy nhiên để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cũng như bình đẳng như các cơ sở giáo dục đại học được các Trung tâm kiểm định, cũng theo thông lệ quốc tế thì cần có các quy định cụ thể để có thể kiểm tra, đánh giá và giám sát hoạt động các Trung tâm định kỳ, thường xuyên và liên tục.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bắt đầu từ năm 2024 Bộ sẽ triển khai kiểm tra, giám sát dựa trên văn bản pháp quy này và yêu cầu các Trung tâm kiểm định phải tuân thủ theo các quy định của Thông tư.
Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng, năng lực và các tiêu chuẩn cao hơn đối với một kiểm định viên và để có căn cứ tổ chức các đợt sát hạch cấp thẻ kiểm định viên Bộ đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Vào cuối năm 2023, Bộ đã tổ chức lại đợt sát hạch để cấp thẻ kiểm định viên sau nhiều năm tạm dừng để hoàn thiện văn bản pháp luật. Hai Thông tư này được các chuyên gia và các cơ sở giáo dục đại học đánh giá cao và cũng khá kịp thời cho giai đoạn hiện nay để tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư về chuẩn chương trình đào tạo và mới đây vừa ban hành Thông tư về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Thưa Cục trưởng, giai đoạn tới, đặc biệt là năm 2024, Cục Quản lý chất lượng sẽ tập trung tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp lý nào về kiểm định cơ sở đào tạo cũng như chương trình đào tạo để từng bước đạt mục tiêu nêu tại Quyết định số 78?
Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Trước tiên, về việc triển khai Quyết định 78 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý chất lượng đang tham mưu để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2025). Hoàn thành giai đoạn 1 thì sẽ tổ chức sơ kết đánh giá để có các kế hoạch, chính sách thúc đẩy phù hợp cho công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng khi triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Phải nói công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam tuy đã trải qua gần 20 năm nhưng vẫn còn rất mới và thực chất bắt đầu công tác kiểm định và công nhận chỉ hoạt động đúng vai trò chưa tròn 10 năm qua từ khi có Luật Giáo dục đại học nên cần vừa thực hiện vừa kiên trì nghiên cứu để hoàn thiện chính sách và các điều kiện để dần phù hợp với kiểm định chuẩn quốc tế nhưng không xa rời thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam từng giai đoạn phát triển.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra ở Quyết định 78 thì đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học và các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cần tập trung thúc đẩy hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA) là ưu tiên số 1, hình thành bền vững văn hóa chất lượng sâu rộng, giai đoạn này không chỉ dừng lại ở nhận thức mà cần có các hành động cụ thể của mỗi bên liên quan cho công tác bảo đảm chất lượng nội tại bên trong mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Năm 2024 và năm 2025, Cục Quản lý chất lượng sẽ tiến hành rà soát để từng bước thống nhất hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong đó hướng đến phù hợp với chuẩn khu vực và quốc tế và khắc phục dần những bất cập theo thời gian khi triển khai công tác kiểm định.
Cụ thể, đối với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học: Cục Quản lý chất lượng tham mưu sửa đổi: Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT; Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT và Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT liên quan về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm để thống nhất và phù hợp với các chuẩn mới bổ sung của khu vực AUN-QA và điều kiện thực tế đại học Việt Nam hiện nay, đồng thời có tích hợp chuẩn chương trình đào tạo theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT lồng ghép vào các tiêu chuẩn, tiêu chí, tích hợp các hình thức đào tạo chính quy, thường xuyên, từ xa trên 1 chương trình chuẩn của mỗi trình độ như Luật Giáo dục đại học đã quy định, dự kiến được ban hành trong năm 2024.
Còn đối với kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo đại học: Cục đang chuẩn bị các hội thảo lắng nghe thêm các bên liên quan để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, đồng thời tham chiếu thêm chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học của khu vực và thế giới, nhất là chuẩn của AUN-QA vừa ban hành phiên mới để sửa đổi, bổ sung vào Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT, trong đó lưu ý tích hợp thêm Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học mà Bộ vừa ban hành để đồng bộ hoá, thử nghiệm và có thể ban hành vào năm 2025.
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2024 là “tăng cường chuyển đổi số”. Xin hỏi, Cục sẽ đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số như thế nào?
Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Năm 2024, Cục Quản lý chất lượng sẽ tham mưu cho ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, thống kê công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học, các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và số liệu quản lý chung về bảo đảm và kiểm định chất lượng từ Cục Quản lý chất lượng để dần đồng bộ hóa qua hệ thống phần mềm bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, tích hợp và có thể liên thông vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo phục vụ nhiều mục đích.
Đồng thời, Cục cũng đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, số hóa văn bản, kết nối cơ sở dữ liệu tiện ích phục vụ thuận lợi hơn nữa các dịch vụ công, hướng đến người dân, thuận lợi cho các thống kê, báo cáo, đánh giá và tham mưu ban hành chính sách.
PV: Để Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực sự là cánh tay nối dài của ngành trong việc nâng cao chất lượng thì các Trung tâm cần tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa Cục trưởng?
Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Kiểm định chủ yếu để khuyến nghị cải tiến chất lượng liên tục và chu kỳ sau phải cải tiến tốt hơn chu kỳ kiểm định trước trên cơ sở các số liệu thực được đánh giá cho cả chu kỳ, liên tục.
Ví dụ, hai cơ sở giáo dục đại học đều được đánh giá đạt nhưng mức đánh giá là khác nhau và các khuyến nghị cũng khác nhau nên việc đưa ra nhận định, các khuyến nghị cho một đợt đánh giá là rất quan trọng đối với mỗi chương trình và cơ sở đào tạo đại học.
Vì vậy, trước tiên, các Trung tâm cần phát triển đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp (các kiểm định viên) không chỉ sử dụng thành thục bộ công cụ kiểm định trong nước để ra các quyết định chính xác, có các khuyến nghị hữu ích giúp nhà trường khắc phục hạn chế, cải tiến chất lượng hiệu quả thực chất mà còn hướng đến tầm nhìn và sứ mạng cao hơn đó là có được những chuyên gia – kiểm định viên có thể tham gia đào tạo được kiểm định viên vừa trong nước, vừa đẳng cấp khu vực và có khả năng hội nhập quốc tế về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; mang được tiếng nói về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ra khu vực và thế giới để đẩy mạnh hội nhập, công nhận chất lượng giáo dục đại học lẫn nhau.
Cùng với đó, các Trung tâm cần tập trung phát triển các bộ công cụ để cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo bồi dưỡng cho cơ sở giáo dục đại học để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bền vững, bảo đảm các nguyên tắc của hoạt động kiểm định theo quy định pháp luật; Ưu tiên công tác chuyển đổi số và ứng dụng mạnh sự tiện ích của công nghệ thông tin trong công tác đánh giá ngoài nói riêng và nhiều khâu trong công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; Và thực hiện đầy đủ và thường xuyên việc khai báo cơ sở dữ liệu sau đánh giá lên hệ thống phần mềm chung về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ.
Việc tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm chất lượng trong chính các Trung tâm, tham gia đánh giá bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài bởi bên thứ ba để sớm đạt được sự công nhận của tổ chức bảo đảm chất lượng khu vực và quốc tế cũng là vấn đề cần tập trung thực hiện.
Tóm lại, các Trung tâm phải cần là một tổ chức đúng nghĩa không vì lợi nhuận góp phần cải tiến chất lượng cho giáo dục đại học Việt Nam và giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đẩy nhanh việc hội nhập chuẩn mực quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Huỳnh Văn Chương.
Quyết định số 78/QĐ-TTg đặt mục tiêu theo từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn 2022 – 2025:
Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao, cụ thể:
a) 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình bảo đảm chất lượng và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài;
b) 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; 70% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ hai;
c) 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài (sau đây gọi là kiểm định quốc tế), 100% số chương trình đào tạo giáo viên các trình độ đạt tiêu chuẩn chất lượng;
d) 100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế;
đ) 50% tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thoả thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau;
e) Có ít nhất 750 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% kiểm định viên được bồi dưỡng chuyên sâu về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong đó có 5% kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế;
g) 90% công chức và 70% viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo làm việc ở các vị trí về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; trong đó có 20% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.
Giai đoạn 2026 – 2030:
Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; phát triển bền vững hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm:
a) 100% cơ sở đào tạo phát triển hệ thống đảm chất lượng bên trong để thực thi hiệu quả mục tiêu chiến lược và văn hóa chất lượng của cơ sở đào tạo;
b) 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp (chu kỳ kiểm định lần thứ nhất với cơ sở đào tạo mới có một khóa người học tốt nghiệp hoặc các chu kỳ kiểm định tiếp theo với cơ sở đào tạo đã đạt kiểm định chất lượng giai đoạn trước năm 2025);
c) 80% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất hoặc lần thứ hai; trong đó có ít nhất 20% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định quốc tế, 100% số chương trình đào tạo giáo viên các trình độ đạt tiêu chuẩn chất lượng;
d) 100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tự đánh giá theo khung tiêu chuẩn đánh giá của khu vực ASEAN, trong đó 20% đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế;
đ) 100% tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tham gia các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thoả thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau;
e) Có ít nhất 1500 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% kiểm định viên được bồi dưỡng định kỳ, chuyên sâu về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. 7% kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế;
g) 100% công chức, viên chức, người lao động làm việc ở các vị trí trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ đáp ứng yêu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 35% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.
Nguồn: Thùy Linh – giaoduc.net.vn