Báo Giáo dục Việt Nam bình chọn những sự kiện nổi bật ngành giáo dục năm 2019

(GDVN) – Năm 2019, là năm sôi động của ngành giáo dục với nhiều thay đổi tích cực, gặt hái thành công nhưng cũng không ít sự kiện khiến nhiều người phải suy ngẫm.

LTS: Năm 2019 đã đi đến ngày những ngày cuối cùng, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục với rất nhiều những sự kiện được báo chí đặc biệt quan tâm khiến chúng ta suy ngẫm nhiều điều. 

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn một số sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2018. 

Tòa soạn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của độc giả cả nước về các bình chọn này, cũng như bổ sung khác!

Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi

Ngày 14/6/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục 2019 có 7 điểm mới cơ bản.

Thứ nhất, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục

Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 9, Điều 10).

Thứ hai, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13
Luật Giáo dục quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông; ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi hội đồng quốc gia thẩm định… (Điều 31).

Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (Điều 32).

Thứ ba, bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường

85,54% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 14/6/2019 (Ảnh: TTXVN)

Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. 

Thứ tư, quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học

Luật Giáo dục quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Một chương trình, nhiều bộ sách có thực chất?

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Nhà giáo giảng dạy trình độ đại học từ đại học lên thạc sĩ.

Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (Điều 72).

Thứ năm, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm

Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. 

Thứ sáu, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập

Luật Giáo dục quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. 

Thứ bảy, quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục

Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 96).

Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (Điều 95, Điều 101…).

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. 

Luật Giáo dục đại học có hiệu lực

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển như:
Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nhưng không gây xáo trộn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện hành;

Tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục;

Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học;

Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Ảnh minh họa: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ;

Đổi mới quản trị đại học, xác định mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục để quản trị đại học được hiệu quả;

Trao thực quyền cho Hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế… 

Lần đầu tiên Việt Nam có trường lọt tốp 1.000 đại học uy tín thế giới

Năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp tốp 901- 1.000 của Academic Ranking of World Universities (viết tắt là ARWU). Với kết quả này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học của Việt Nam đầu tiên được xếp trong bảng này.

Đây là vinh dự lớn cho giáo dục Việt Nam cũng là một minh chứng cho thấy chủ trương giao quyền tự chủ đại học là một hướng đi đúng đắn của giáo dục nước ta.

Ngay sau đó, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao bằng khen cho nhà trường vì đã có thành tích nổi trội về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đang nêu một điển hình xuất sắc về tự chủ đại học. 

Thông qua 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, 24 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 32, Luật giáo dục 2019: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo”.

Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều bản mẫu được xây dựng công phu, tâm huyết, tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều bản có cấu trúc mới, tiếp cận với cách biên soạn của các nước tiên tiến và vẫn phù hợp với điều kiện nhà trường, học sinh tiểu học Việt Nam, đảm bảo tính “mở”, linh hoạt.

Về lộ trình tiếp theo, trước tháng 3/2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục được Bộ công bố. Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường cũng sẽ tổ chức tập huấn, nhà xuất bản in ấn và phân phối sách.

Từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa lớp 1 mới bắt đầu được sử dụng, thay thế bộ sách hiện nay. 

Giảm mạnh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; Thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Ngày 11/11, Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận 75 người đạt chuẩn chức danh giáo sư trong số này có 1 trường hợp đạt chuẩn giáo sư theo hình thức đặc biệt và 349 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. 

Trong khi trước đó ngày 27/8, Hội đồng giáo sư Nhà nước đã nhận được danh sách 557 ứng viên được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019.

So với danh sách ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn thì số lượng ứng viên bị loại là 133 người.

Như vậy, năm 2019, số ứng viên đủ điều kiện được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư chưa bằng một nửa so với số ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư, giảm kỷ lục so với năm 2017.

Trước đó, trong năm cuối xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 174 (năm 2017), số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.537, số được công nhận là 1.226. Ngay sau đó, dư luận chỉ ra nhiều người không đạt tiêu chuẩn. Thủ tướng yêu cầu rà soát, số giáo sư, phó giáo sư giảm còn 1.131.

Do Quyết định 37 có hiệu lực từ 15/10/2018, chỉ hơn hai tháng là hết năm nên Hội đồng giáo sư nhà nước không xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2018.

Học sinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic quốc tế

Tại các kỳ thi Olympic Tin học, Hóa học, Toán, Sinh học, Vật lý năm 2019, học sinh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Trong kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2019, đoàn Việt Nam cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, gồm: 02 Huy chương Vàng và 02 Huy chương Bạc (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, các kỳ thi Olympic Tin học, Hóa học, Toán, Sinh học, Vật lý năm 2019, tất cả học sinh Việt Nam dự thi đều đạt huy chương với 9 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 4 huy chương đồng. 

Đặc biệt, em Nguyễn Khánh Linh – học sinh lớp 12, Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa vừa đoạt huy chương vàng vừa đạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic Vật lý quốc tế 2019. 

Nhiều sinh viên bị trả về địa phương sau gian lận thi cử

Tháng 4/2019, Bộ Công an đã trả 28 thí sinh ở Hòa Bình và 25 thí sinh ở Sơn La, đây là số thí sinh có điểm số sau chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cao hơn thực tế. Tổng số thí sinh gian lận ở 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La trúng tuyển vào khối trường công an lên tới 53 thí sinh.

Theo Bộ Công an, trong số những thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có thí sinh đăng ký học ở các trường đại học, học viện công an và có cả thí sinh đang thực hiện nghĩa vụ.

Đối với thí sinh đăng ký học ở các trường đại học, học viện, Bộ Công an đã chỉ đạo các trường bố trí phương tiện đưa các em trở về Công an địa phương và bàn giao về gia đình tiếp nhận, quản lý. Còn đối với thí sinh đang thực hiện nghĩa vụ thì Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các trường bố trí phương tiện đưa các em trở về công an địa phương để có biện pháp xử lý tiếp theo nguyên tắc xử lý cán bộ của ngành công an.

Thùy Linh