Chương trình chất lượng cao: Đổi mới chứ không ‘xóa sổ’

Nhiều trường ĐH thay chương trình chất lượng cao bằng các CT khác, trong khi một số tiếp tục triển khai sau khi Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực.

Một lớp học chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: HUB
Một lớp học chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: HUB

Thay thế chương trình

Từ ngày 1/12/2023, Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học có hiệu lực. Các khóa đào tạo chất lượng cao đã tuyển sinh trước ngày 1/12/2023 (ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo quy định tại Thông tư 23.

Khi Thông tư số 23 bị bãi bỏ, một số trường đại học lo lắng ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo và tuyển sinh chất lượng cao những năm tới. Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện Bộ GD&ĐT, việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) và không đồng nghĩa việc “xóa sổ” chương trình chất lượng cao.

Cụ thể, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018), khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao không còn tồn tại. Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ quy định về chuẩn chương trình các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển chương trình đào tạo có yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định.

Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Như vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai “chương trình chất lượng cao”, tức là các trường vẫn được đào tạo chương trình có chất lượng. Điều này không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo chương trình khác nhau của đơn vị.

Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo; dù với tên gọi gì cũng cần đảm bảo tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng từ đầu vào, điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo đến đầu ra, cũng như các quy định khác liên quan đến đào tạo.

Học sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Trường đổi tên, trường duy trì

Nhiều trường đại học dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao, thay bằng chương trình khác. Trong phương án tuyển sinh năm 2024, Đại học Kinh tế TPHCM tuyển sinh chương trình tiên tiến quốc tế, chương trình tiên tiến, kế toán tích hợp với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, cử nhân Tài năng ISB BBus, cử nhân ISB ASEAN Co-op; không có chương trình chất lượng cao như trước.

Ba năm trước, trường tuyển chương trình cử nhân chất lượng cao ở các ngành, chuyên ngành gồm Kinh tế đầu tư, Thẩm định giá và Quản trị tài sản, Kinh doanh thương mại, Marketing, Kiểm toán, Luật kinh doanh, Quản trị, Kinh doanh quốc tế, Ngoại thương, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2022, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã dùng tên gọi chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh thay cho chương trình chất lượng cao. Tương tự, tại Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), chương trình chuẩn và chương trình chất lượng cao được chuyển thành chương trình đào tạo bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trong khi đó, nhiều trường vẫn giữ các ngành đào tạo chất lượng cao trong thông báo tuyển sinh đại học năm 2024. Điển hình như Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tuyển các chương trình chính quy chất lượng cao (tiếng Anh bán phần), chính quy quốc tế cấp song bằng, chính quy chuẩn, chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng. Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, với 6.500 chỉ tiêu trình độ đại học, nhà trường có 40 ngành chương trình tiêu chuẩn, 19 ngành chương trình chất lượng cao.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), từ cuối năm 2022, trường quyết định dùng tên gọi “chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh” thay cho chương trình chất lượng cao để thể hiện đúng tinh thần quốc tế hóa. Hiện nhà trường có khoảng 20 ngành được phê duyệt dạy bằng tiếng Anh ở các khoa để triển khai từ khóa tuyển sinh năm 2023.

Ông Bùi Hoài Thắng cho rằng, việc xây dựng và thực hiện chương trình chất lượng cao thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Các trường có thể dùng khái niệm “chất lượng cao” cho các chương trình của mình, điều quan trọng là phải khẳng định, cam kết được chất lượng, tiêu chuẩn đầu ra.

Ngoài ra, việc thu học phí, các trường thực hiện theo quy định của Chính phủ (hiện tại được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021- PV). Cụ thể, với trường chưa tự chủ sẽ thu học phí theo quy định khung của Chính phủ. Nếu chương trình đào tạo đạt kiểm định, trường có thể tự xác định mức thu học phí chương trình trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do trường ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy – Trưởng phòng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, chương trình chính quy chất lượng cao sẽ chuyển dần thành chương trình tiếng Anh bán phần. Việc này có lộ trình và thông báo rõ ràng, không thay đổi đột ngột với người học. Nhà trường sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn để tiếp tục nâng cao chất lượng.

Trường Đại học Luật TPHCM khẳng định tiếp tục tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao trình độ đại học, để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Nhà trường cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 là phù hợp với Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018), giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo khác nhau, đảm bảo tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học.

Nguồn: Mạnh Tùng – giaoducthoidai.vn