Yêu cầu chỗ làm việc của giảng viên đạt 6m2/người: Liệu có lãng phí?

Thông tư 01 quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở GDĐH, tối thiểu 6m2/người.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xác định là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Trong đó, về tiêu chuẩn giảng viên, Thông tư 01 quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người.

Nội dung này nhận được nhiều ý kiến bàn luận khác nhau, trong đó, đa số ý kiến đều cho rằng việc bố trí đủ 6m2 cho mỗi giảng viên là một thách thức lớn với các trường, nhất là các trường đại học vốn có diện tích nhỏ.

Không ít giảng viên là “thợ dạy”

Giảng viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết: “Trung bình mỗi tuần tôi đến trường khoảng 4 ngày, mỗi ngày khoảng 5 tiếng hoặc hơn, tùy theo lịch dạy ở trường và các cuộc họp chuyên môn của khoa, hay các sự kiện khác ở trường”.

Vị giảng viên cho hay, thời gian ở trường chủ yếu là thời gian lên lớp, ngoài ra các công việc như chuẩn bị bài giảng, nghiên cứu,… thường được thực hiện ở nhà bởi “tự do, yên tĩnh và tập trung hơn”.

“Ở trường tôi có phòng sinh hoạt chung cho giảng viên, thỉnh thoảng tôi cũng ngồi ở đây để chấm bài cho sinh viên. Tuy nhiên, để tập trung làm việc như soạn bài, nghiên cứu,… ở không gian chung có phần bất tiện. Nếu được, tôi hy vọng mỗi bộ môn sẽ có phòng riêng, bố trí đủ bàn ghế, không gian cho đầy đủ giảng viên. Như vậy sẽ khuyến khích giảng viên ở lại trường làm việc nhiều hơn”, vị giảng viên nêu ý kiến.

DSC04212.jpg
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: HTU

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, với yêu cầu bố trí đủ 6m2 cho mỗi giảng viên trong điều kiện nhà trường là điều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu của giảng viên, bởi nếu có thể sẽ lãng phí nếu giảng viên chỉ đến trường khi có giờ dạy.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ, trường quản lý bằng sản phẩm, tạo điều kiện tự chủ, linh hoạt tối đa cho giảng viên làm việc. Ngoài giờ dạy, các thầy cô thường lên trường khi có lịch họp của khoa, bộ môn, hay nhà trường, hoặc cần nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu ở thư viện. Thầy Hiệp cũng nhấn mạnh, thực tế việc tất cả các giảng viên cùng có mặt ở trường không có nhiều.

Theo thầy Hiệp, một trong những công việc của giảng viên là chuẩn bị bài giảng cho giờ lên lớp. Việc chuẩn bị bài giảng không nhất thiết phải được thực hiện ở trường, giáo viên tùy điều kiện, có thể làm việc ở bất cứ đâu, miễn chuẩn bị đầy đủ bài giảng theo đúng quy định của trường trước khi lên lớp, như vậy sẽ được công nhận là hoàn thành công việc.

“Tùy theo nhu cầu của giảng viên và nhà trường, không nhất thiết làm việc ở trường mà vẫn đảm bảo chất lượng công việc thì không vấn đề gì”, vị lãnh đạo bày tỏ.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong điều kiện thời đại công nghệ số như hiện nay, giảng viên có thể làm việc trong không gian yên tĩnh tại nhà, thay vì ở trường có đông giảng viên, sinh viên qua lại, khó để có thể tập trung làm việc.

“Nếu trường đại học theo định hướng nghiên cứu, bắt buộc giảng viên phải làm việc hàng ngày ở các phòng lab nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế phần lớn các trường đại học ở Việt Nam hiện nay mới chỉ chú trọng đến việc giảng dạy, số trường theo định hướng nghiên cứu không nhiều”, thầy Dũng cho hay.

Từ thực tế quan sát của mình hiện nay, thầy Dũng chia sẻ, không ít giảng viên chủ yếu là “thợ dạy”, và chỗ làm việc của giảng viên ở nhiều trường hiện nay rất lãng phí.

“Có những giảng viên gần như quanh năm suốt tháng không đến, họ chỉ đến trường khi có giờ và chạy show dạy ở các trường khác nữa, như vậy rất lãng phí. Trong khi đó diện tích mặt bằng của các trường thì giới hạn, không có chỗ sinh hoạt cho sinh viên, mà bố trí nhiều diện tích cho giảng viên rồi không sử dụng hết thì lãng phí, trong khi đó hiệu suất làm việc cũng không cao”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng trong điều kiện hiện nay không nên quy định bắt buộc diện tích cho mỗi giảng viên, thay vào đó nên có cơ chế khuyến khích hình thành các lab nghiên cứu trong trường để giảng viên đến nghiên cứu, hay phục vụ việc hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh,…

Quy định 6m2/giảng viên đối với các trường là một thách thức lớn

Tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông cho biết, nhà trường có phòng để giảng viên chấm bài và văn phòng khoa để giảng viên làm việc.

Tuy nhiên, với quy định bố trí đủ 6m2 cho mỗi giảng viên là một điều kiện khó khăn. Dẫn thực tế, thầy Sơn cho biết, Khoa công nghệ thực phẩm có khoảng gần 80 giảng viên, nếu theo quy định sẽ là 80 × 6 = 480m2, nhưng trường chỉ có khoảng 150m2 văn phòng khoa.

Dù vậy, thầy Sơn cũng cho rằng, việc bố trí chỗ làm việc cho giảng viên là cần thiết, giúp giảng viên tập trung hơn vào công việc. Tuy nhiên, quy định bố trí chỗ làm việc cho giảng viên nên được thực hiện linh hoạt, tùy điều kiện thực tế ở mỗi cơ sở giáo dục.

kfkWpYD9PhNI-JrS6ZGrS6pp-jfif-6079-1698920973.jpg
Phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần (RFICs Lab) của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – Trưởng ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, quy định 6m2/người đối với các trường là một thách thức lớn.

Là người đã có quá trình làm việc liên tục trong 50 năm tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và nay là Trường Đại học Văn Lang, thầy Tống đánh giá điều kiện làm việc của giảng viên đang ngày càng được cải thiện và tiến bộ rất nhiều.

Nhớ lại thời gian những năm đầu làm việc tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (lúc đó là Đại học Kỹ thuật), thầy Tống chia sẻ, đã có những giai đoạn khó khăn khi giảng viên đông nhưng điều kiện cơ sở vật chất lại hạn hẹp. Tuy nhiên, ở hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất, nơi làm việc của giảng viên tại trường đã được cải thiện rất tốt, các bộ môn có phòng làm việc riêng, máy lạnh được trang bị đầy đủ tại các phòng làm việc của giảng viên.

Tuy nhiên, với quy định phải bố trí đủ 6m2 cho mỗi giảng viên, theo thầy Tống là không cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Thay vào đó, để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, thầy Tống cho rằng bên cạnh điều kiện về bố trí nơi làm việc cho giảng viên, cần có thêm vị trí trợ giảng hỗ trợ cho các giáo sư, phó giáo sư.

Theo thầy Tống, ở một số nước trên thế giới, các giáo sư sẽ có trợ giảng, có chỗ làm việc riêng, nơi tiếp khách, thậm chí có nơi còn bố trí chỗ giải lao như uống nước, nghỉ trưa cho giảng viên.

Phân tích từ thực tế, thầy Tống chia sẻ một trong những công việc cần khá nhiều thời gian là chấm bài. Nếu có trợ giảng cho các giáo sư, phó giáo sư, công việc này sẽ “nhẹ gánh” hơn cho các thầy cô. Từ đó, các giáo sư, phó giáo sư có nhiều thời gian hơn tập trung vào các công việc quan trọng khác như nghiên cứu khoa học, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh,… Như vậy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ từng bước được nâng cao hơn.

Nguồn: Doãn Nhàn – giaoduc.net.vn