Hội nghị khởi động dự án SKIEG

Sáng 04/12/2020, tại Vĩnh Long, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội nghị Khởi động dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện”

Tham dự có Đồng chí Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Đồng Chí Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Đồng chí Ngô Quang Vĩnh – Cán bộ phụ trách lĩnh vực xã hội Ngân hàng phát triển Chau Á (ADB), Đồng chí Trần Liên Hương – Giám đốc Ban quản lý các dự án Tổng cục GDNN cùng đại diện các Bộ có liên quan và 16 trường CĐ, ĐH tham gia dự án. Trường Đại học SPKT Vĩnh Long với sự tham dự của PGS. TS Cao Hùng Phi – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng Dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” sẽ góp sức vào nỗ lực của Chính phủ trong việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam bằng cách nâng cấp môi trường giảng dạy và học tập tại 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự án này được xây dựng dựa trên những thành công của Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” do Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ quản được triển khai từ với nguồn vốn vay của ADB, đã được ADB đánh giá là rất thành công, mang lại hiệu quả cao cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Hội nghị dành thời gian để triển khai chi tiết các nội dung kế hoạch của dự án bao gồm tiến độ thực hiện, công tác quản lý dự án, mua sắm thiết bị, quản lý tài chính và trách nhiệm của các bên liên quan.

Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện – Skills and Knowledge for Inclusive Economic Growth Program (Gọi tắt là dự án SKIEG) là chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với tổng kinh phí gần 94,4 triệu USD triển khai thực hiện từ 2020 – 2024. Chương trình nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, đồng thời củng cố quan hệ hợp tác, tương hỗ giữa hai bên. Thông qua Dự án, các trường thụ hưởng (14 trường cao đẳng chất lượng cao và 2 trường đại học SPKT Vinh và SPKT Vĩnh Long) sẽ ngày càng đổi mới và phát triển, là những trường chất lượng cao trong hệ thống GDNN, hướng đến xây dựng cơ chế tự chủ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của nguồn nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS. TS Cao Hùng Phi – Hiệu trưởng VLUTE phát biểu tham luận

Trước đó, vào chiều ngày 03/12/2020, Hội thảo chuyên đề về thiết bị dự án do BQL các dự án vốn ODA tổ chức với sự tham dự của các trường thụ hưởng như:  ĐHSPKTVL, ĐHSPKT Vinh, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, CĐ Kỹ nghệ Dung Quốc; lãnh đạo của BQL dự án, chuyên gia lĩnh vực cơ khí, điện điện tử và 10 doanh nghiệp thuộc 2 lĩnh vực trên đang có nhà máy sản xuất tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung (trong đó có các công ty, tập đoàn lớn như: Siemens Việt Nam, SMC Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp TOWA – Nhật bản, Acecook Việt Nam). Hội nghị nhằm cụ thể hóa nội dung đã được ký kết giữa ADB và các trường được tổ chức vào ngày 29/12/2019, đánh giá toàn diện về các danh mục thiết bị thực hành, chương trình đào tạo và hiệu quả của dự án được các trường đề xuất triển khai qua ý kiến chuyên gia và đặc biệt là sự đánh giá của chính các công ty doanh nghiệp – nơi “thụ hưởng” sản phẩm chính là nguồn nhân lực do các trường đào tạo.

Trường ĐHSPKT Vĩnh Long là một trong hai trường đại học thụ hưởng dự án và cũng là trường được đầu tư kinh phí nhiều nhất (8,4 triệu USD) cho 3 lĩnh vực: cơ khí, điện – điện tử và công nghệ thực phẩm. Qua đó sẽ tạo điều kiện thành lập và trang bị các hệ thống thiết bị của trung tâm công nghệ cao, các hệ thống phòng thực hành thí nghiệm chất lượng cao.  Tạo ra sức bật phát triển của trường Đại học SPKT Vĩnh Long vươn tầm thế giới.