(GDVN) – “Để giáo viên tập trung lo công tác giảng dạy thì hệ số lương của đội ngũ nhà giáo phải bằng hệ số lương của công an, quân đội.”, ông Nhĩ nói.
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từng đề xuất:
“Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Đồng tình với quan điểm này của Giáo sư Trần Hồng Quân, những ngày cuối năm Kỷ Hợi, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, năm 2019 giáo dục phổ thông nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là thông qua 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn.
Giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức.
“Để giáo viên tập trung lo công tác giảng dạy thì hệ số lương của đội ngũ nhà giáo phải bằng hệ số lương của công an, quân đội.”, ông Nhĩ nói. (Ảnh: Thùy Linh) |
Coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Chính vì vậy, đối với nghề giáo, ngoài giờ lên lớp thì giáo viên phải tìm hiểu nội dung dạy học ở nhiều bộ sách để tham khảo rồi soạn bài, chấm bài thậm chí đến nhà học sinh trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con cái họ để thực hiện mối tương tác giữa gia đình – nhà trường – xã hội.
“Nếu làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì toàn bộ thời gian của nhà giáo chỉ làm tốt công tác giáo dục mà thôi”, thầy Nhĩ nói.
Cống hiến, tận tâm là vậy nhưng mức lương hiện nay khiến đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, thầy Nhĩ nêu minh chứng, một giáo viên mầm non, tiểu học tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường mà thu nhập chỉ vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/ tháng.
Không chấp nhận việc người nước ngoài tham gia biên soạn sách Tiếng Anh |
“Mức lương ấy làm sao giáo viên sống nổi. Chính vì vậy mới có chuyện nhà giáo phải làm nhiều điều mà xã hội gọi là “chân trong, chân ngoài” rồi dạy ở lớp thì lơ là, dạy nhà là chính… khiến giáo dục lộn xộn”, thầy Nhĩ nhận định.
Trong khi, đối với giáo viên cần phải luôn luôn thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tức là dành hết tâm huyết để dạy dỗ học trò thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao. Tuy nhiên, muốn giáo viên dành toàn tâm toàn lực cống hiến thì nhà nước phải tạo điều kiện để họ không phải ngày ngày lo “cơm, áo, gạo, tiền”.
“Để giáo viên tập trung lo công tác giảng dạy thì hệ số lương của đội ngũ nhà giáo phải bằng hệ số lương của công an, quân đội.”, ông Nhĩ nói.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, ông Nhĩ cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích, miễn thuế, tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển, nhiều nhà đầu tư muốn đứng ra thành lập trường.
“Có được quan tâm như vậy thì tôi tin giáo dục phổ thông nước nhà sẽ khởi sắc trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đặc biệt khi thực hiện sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021”, ông Nhĩ kỳ vọng.
Thùy Linh