Sắp tới, không cần thi đầu vào vẫn có thể học thạc sĩ

Đây là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc người đi làm muốn học lên thạc sĩ sẽ không nhất thiết phải thông qua thi tuyển đầu vào như trước đây.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ  ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư, phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ bao gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Tại Điều 9 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư quy định đối với những cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng về các tiêu chí để xét tuyển như sau:

  • Căn cứ kết quả học tập ở trình độ đại học để xét tuyển;
  • Trưởng khoa chuyên môn chọn ít nhất 02 môn quan trọng nhất trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo trình độ thạc sĩ để đánh giá kiến thức chuyên môn ở trình độ đại học của ứng viên dự tuyển;
  • Chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu: cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển đổi với ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học xếp loại khá trở lên và đánh giá đề xuất nghiên cứu của ứng viên;
  • Ngoài ra, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể các điều kiện để xét tuyển tại Đề án tuyển sinh đối với từng chương trình đào tạo gồm có cả chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và theo định hướng ứng dụng.

Đồng thời, đối với những cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh theo phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng sau:

  • Tổ chức thi ít nhất 02 môn quan trọng nhất trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo trình độ thạc sĩ để kiểm tra kiến thức chuyên môn ở trình độ đại học của ứng viên dự tuyển;
  • Tổ chức thi ngoại ngữ cho ứng viên không được miễn đánh giá năng lực ngoại ngữ;
  • Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ đánh giá, thẩm định đề thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng và năng lực để tổ chức thi tuyển sinh;
  • Có ngân hàng câu hỏi thi với số lượng câu hỏi ít nhất gấp 50 lần tổng số câu trong 01 đề thi; đề thi phải được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi thi;
  • Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và phương thức tổ chức thi.

Lưu ý: Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trung thực, khách quan, công bằng; giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kỳ thi.

Như vậy, theo quy định trên, các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ có thể lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển

Hiện nay, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT quy định phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ gồm: thi tuyển đối với người Việt Nam và xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam. Trong đó, thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ bao gồm 3 môn thi, do thủ trưởng cơ sở đào tạo xác định, cụ thể: môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển đối với từng ngành, chuyên ngành đào tạo; hai môn thi khác, trong đó có một môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo, được xác định theo yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Đặc biệt, đối với ngành, chuyên ngành đặc thù hoặc chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo có thể thay môn thi không chủ chốt bằng phương thức kiểm tra năng lực khác phù hợp với yêu cầu của ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo.

Có thể thấy, khi Dự thảo Thông tư này được thông qua thì sắp tới các trường Đại học đào tạo trình độ thạc sĩ có thể lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển, điều này đồng nghĩa với việc sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người đi làm có thể không cần phải thông qua thi tuyển vẫn có thể học thạc sĩ, mở ra nhiều cơ hội để lấy bằng thạc sỹ.

Ty Na

Xem và tải dự thảo thông tư