Sau 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận thấy năng lực quản trị, tự chủ của các trường đã được nâng cao.
Hôm nay (17/12), Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong hơn 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, dù số lượng trường đại học không thay đổi đáng kể nhưng quy mô, chất lượng đào tạo có sự gia tăng rõ rệt. Đặc biệt là năng lực quản trị đại học, sự cạnh tranh, tự chủ của cơ sở giá dục đại học đã được nâng cao.
Theo Thứ trưởng, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế – xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ bất cập nhất định so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đại học Việt Nam.
Vì vậy, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.
Báo cáo sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2024 của Vụ Giáo dục Đại học cho biết qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực. Cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học phát huy dân chủ, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học đã bước đầu có sự đa dạng hoá; hiệu quả sử dụng nguồn lực có nhiều cải thiện và từng bước được nâng cao. Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học dần được điều chỉnh, đổi mới.
Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao thực hiện tự chủ được quyền quyết định giá dịch vụ đào tạo, bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý cũng như tự quyết định các khoản chi, mức chi phù hợp với mức độ, năng lực thực hiện tự chủ theo quy định.
Nhờ huy động được nguồn kinh phí dồi dào hơn, cơ sở giáo dục đại học tự chủ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và cải thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên, từ đó giúp nhà trường thu hút, tuyển dụng được những người có năng lực, trình độ về công tác.
Tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023. Trong phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định về hệ thống cơ sở giáo dục đại học, quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học, quy định về hoạt động đào tạo, quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, quy định về tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình đánh giá, sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 có 2 mục tiêu là phân tích những khó khăn, thuận lợi, mặt được, những tồn tại hạn chế để từ đó đề xuất sửa luật, xây dựng luật mới.
Đây cũng là sự đóng góp trí tuệ, chia sẻ khó khăn từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay nhưng phải cùng nhau làm rõ những gì còn vướng mắc trong luật, trong các văn bản hướng dẫn hay là ở khâu tổ chức thực hiện, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện…
“Những ý kiến này đều được Bộ GD&ĐT ghi nhận, bổ sung vào báo cáo trình Chính phủ để có đề xuất sửa đổi hoặc thay thế luật đảm bảo sự đồng bộ với các Luật khác như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Khoa học công nghệ, qua đó có một hành lang pháp lý ngắn gọn, rõ để triển khai thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: Nguyễn Hoa Trà – nguoiduatin.vn