Trường đại học đang quá sức để đạt 5% nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Theo TS Thái Doãn Thanh, 5% nguồn thu từ nghiên cứu khoa học nếu đối sánh với thế giới thì rất khiêm tốn nhưng đang quá sức với các trường đại học Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Trong đó, tiêu chuẩn số 6 liên quan tới “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” quy định:

Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.

Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chuẩn này sẽ khiến các trường gặp khó khăn, thậm chí nhiều trường không thể đáp ứng được, nhất là trọng số 5% nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng nguồn thu.

Bên cạnh đó, điểm b, khoản 1, Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT cũng quy định: “Công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề”. Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tiến hành báo cáo.

5% nguồn thu từ khoa học công nghệ là quá sức?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Bất cứ một trường đại học nào thì hoạt động về nghiên cứu khoa học hay hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cũng là một trong những hoạt động rất quan trọng để khẳng định sứ mạng của trường đại học.

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học được đo lường dựa vào các yếu tố: Thứ nhất là các công trình nghiên cứu, được thể hiện thông qua công bố các bài báo, đặc biệt là các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Thứ hai, là những sản phẩm, sáng chế, giải pháp có ứng dụng rất lớn trong đời sống xã hội.

Thứ ba là kết quả của các đề tài nghiên cứu, ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học, đời sống, sản xuất.

thay-Thanh.jpg
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

“Ở Việt Nam hiện nay đối với làm nghiên cứu khoa học, theo tôi thấy về mặt xuất bản các công trình, các bài báo quốc tế những năm trở lại đây phát triển khá nhanh, số lượng tăng. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ số bài báo quốc tế 0,3 bài/ giảng viên đối với trường đại học không phải quá sức đối với đội ngũ giảng viên. Có thể sau này chỉ số đó còn cao hơn với các trường đại học định hướng nghiên cứu và đặc biệt là quan tâm về vấn đề công bố quốc tế.

Còn riêng chỉ số được đo bằng doanh thu của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ 5%. Bản chất 5% không phải quá lớn, nhất là đối với các trường đại học có khả năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao tốt. Thực tế, so với thế giới con số 5% vẫn là mức khiêm tốn nhưng so sánh với hiện tại đa phần đối với các cơ sở giáo đại học ở Việt Nam, để đạt được con số doanh thu 5% trên tổng số nguồn thu thì tương đối khó khăn”, thầy Thanh nhận định.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay:

“Thứ nhất, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thì đã được lấy ý kiến góp ý rộng rãi tại các cơ sở giáo dục đại học. Như vậy khi Bộ ban hành Thông tư có nghĩa là đã ghi nhận các ý kiến một cách rất khách quan. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc Bộ đã sớm ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để giúp các trường đại học sớm hoạch định và triển khai quyết liệt chiến lược và kế hoạch phát triển.

Thứ hai, việc đưa ra tiêu chuẩn “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” cũng như các tiêu chí về khoa học công nghệ, về chỉ tiêu tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ cũng như số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên giảng viên đúng là có làm khó khăn cho nhiều trường đại học.

Tuy nhiên, nhờ có việc đề ra các tiêu chuẩn và tiêu chí lại là một trong những động lực để các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu liên tục, kiên trì nhằm đạt được chuẩn. Đồng thời cũng không thể có việc tất cả các trường đại học đều đạt chuẩn và việc công nhận đạt chuẩn của mỗi trường cũng sẽ có thể thay đổi nếu các trường đại học để tụt hạng theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

thay-thi-4786.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Cần thay đổi cách làm nghiên cứu khoa học mới có thể tăng nguồn thu

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nguồn thu của đa phần các cơ sở giáo dục đại học đều đến từ học phí. Để tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trước hết cần thay đổi cách tiếp cận và thực hiện các đề tài.

“Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện nay rất nhiều trường khó có thể đạt được 5% mà chủ yếu là nguồn thu đến từ học phí. Từ thực tế này, cần thay đổi cách thức tiếp cận nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Chúng ta cần xem hoạt động nghiên cứu khoa học là một dịch vụ mà khi đã là dịch vụ rồi thì phải có sự kết nối rất nhiều với các bên liên quan.

Hoạt động nghiên cứu khoa học không thể chỉ lấy đơn thuần kinh phí từ Nhà nước được. Bởi kinh phí của Nhà nước có hạn và thủ tục để thanh toán các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước cũng rất phức tạp nên có rất nhiều rào cản đối với các trường đại học. Chính vì thế, cách tiếp cận từ nguồn kinh phí Nhà nước hiện nay đối với đề tài các cấp giao cho các cơ sở giáo dục đại học cũng cực kỳ khiêm tốn và khó khăn”, thầy Thanh nhấn mạnh.

Theo thầy Thanh, cần gia tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Có như vậy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mới hiệu quả, đem lại nguồn thu cho nhà trường.

“Các kết quả nghiên cứu khoa học cần phải chuyển giao, thương mại hóa cho xã hội phải, nhà trường phải có các doanh nghiệp đặt hàng hoặc kết nối. Nhưng hiện nay sự kết nối của doanh nghiệp đặt hàng với các cơ sở giáo dục đại học đang có sự hạn chế, chưa thực sự chặt chẽ. Có một thực tế là các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên họ không có kinh phí để đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Ngược lại, với các cơ sở giáo dục đại học ít nhất cũng phải có các đơn vị đặt hàng chứ không thể tự nhiên tạo ra sản phẩm mang đi bán được. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn của Nhà nước cũng có nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ nhưng không giải ngân được. Bởi cơ chế giải ngân các hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước lại liên quan tới các thủ tục pháp lý, không đưa ra để đặt hàng với các cơ sở giáo dục đại học được.

Do đó, các trường thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học gặp rất nhiều khó khăn từ chính sách điều tiết vốn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chính sách thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, hiện nay các trường đại học không có khả năng để có doanh thu từ hoạt động khoa học và công nghệ đạt 5% trên tổng nguồn thu. Có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay một vài trường đạt được nếu trường đó có các dự án lớn được đầu tư từ Chính phủ hoặc từ các quỹ phi Chính phủ.

Chính vì thế, con số 5% nếu đối sánh với thế giới thì rất nhỏ nhưng áp vào các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thì đang quá sức”, thầy Thanh bày tỏ.

Tại Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, theo thầy Thanh trong 5 năm trở lại đây nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động này vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% trên tổng nguồn thu của nhà trường.

“Đây là một vấn đề thách thức lớn đối với nhà trường, đòi hỏi trường phải cố gắng nỗ lực tìm kiếm đối tác, đầu ra cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, điều này không thể chỉ là sự cố gắng một phía từ các cơ sở giáo dục đại học được mà cũng nên có một cơ chế từ phía Chính phủ để vận hành dịch vụ nghiên cứu khoa học một cách tốt nhất, để các bên đều có thể tham gia vào.

Từ đó các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường đại học mới có thể thương mại hóa được cho thị trường, mà chủ yếu là các doanh nghiệp thì mới có thể phát triển mạnh mẽ được. Còn nghiên cứu mà không chuyển giao được chỉ cất vào “ngăn kéo” sẽ rất lãng phí”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Tôi nhất trí với những trọng số trong Thông tư 01/2024 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, nhất là 5% nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bởi các trường đại học khác các trường phổ thông ở chỗ phải có nghiên cứu khoa học. Tại Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của nhà trường đã đạt ngưỡng 50% trên tổng nguồn thu.

Thực ra chủ trương phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học không phải bây giờ Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên mới làm mà nhà trường đã thực hiện từ khoảng 20 năm trước. Thế nên đội ngũ cán bộ trong trường phải tập trung để gần như thầy cô nào cũng làm nghiên cứu khoa học. Thứ hai là Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cũng hình thành các đơn vị chuyên về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhà trường có tới 7- 8 đơn vị nên các đơn vị này thu hút được nguồn vốn tương đối lớn”.

Anh Hung 1.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo thầy Hùng để ra tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các trường cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu khoa học.

“Các cơ sở giáo dục đại học có thể quy định cho giảng viên phải “đi bằng hai chân”. Tức một chân là đào tạo, một chân là nghiên cứu khoa học. Khi quy định như thế thì chắc chắn nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ sẽ tăng lên. Còn hiện nay các trường tập trung quá vào tuyển sinh để lấy tiền từ đào tạo, coi nhẹ nghiên cứu khoa học. Theo đó thì tự nhiên nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sẽ thấp”, thầy Hùng nêu quan điểm.

Nguồn: Nhật Lệ – giaoduc.net.vn