Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), một trong những điểm mới, tiến bộ của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi là tạo điều kiện tự chủ cho các trường. Thực tế thời gian qua một số trường thí điểm tự chủ đã đạt được kết quả rất tốt nhưng gần 400 cơ sở đào tạo trình độ ĐH, CĐ trong cả nước để thực hiện được tự chủ vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ảnh minh họa.
PV: Gần 6 tháng trôi qua từ khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực. Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi Luật?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Luật GDĐH sửa đổi mặc dù đã có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định hướng dẫn nên việc thành lập hội đồng trường (HĐT) thực sự đem lại quyền tự chủ hay không là một vấn đề. Tôi cho rằng đó là trở ngại lớn trong việc thực hiện Luật, thực hiện quyền tự chủ của các trường. Từ phía Nhà nước đang mong muốn thực hiện quyền tự chủ, bởi nhà nước cũng không đủ sức cấp tiền cho toàn bộ hệ thống…
Thực tế Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) đã được chuyển đổi sang loại hình trường tư thục theo Quyết định số1292/QĐ-TTg ngày 2/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến tháng 8/2019 cơ cấu bộ máy tổ chức của Trường ĐH tư thục Lương Thế Vinh đã hoàn thành. Việc công nhận Hội đồng Quản trị không được UBND tỉnh Nam Định quyết định công nhận theo thông tư 45/2014/TT-BGDĐT vì phải áp dụng theo Luật 34 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, nhưng lại chưa có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Điều này dẫn đến “nhà trường rơi vào tình trạng bỏ trống quyền lực, mọi hoạt động bị đình trệ, bế tắc”.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận HĐT cũng vì vướng mắc giữa việc thực hiện các điều của Luật 34 và áp dụng quy định của Tổng Liên đoàn.
Ngoài ra, một số trường ĐH địa phương ở Hải Phòng, miền Tây Nam Bộ, miền Trung cũng gặp hoàn cảnh tương tự bởi sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương đến mọi hoạt động của trường trong điều kiện ngày một sụt giảm về quy mô, thách thức việc đảm bảo nguồn tài chính mà các trường thực hiện tự chủ phải đương đầu.
Rõ ràng, các trường đều muốn tự chủ nhưng chưa tự chủ được. Cơ quan cấp trên, UBND chưa cấp quyền cho trường… thì rất khó.
Khi các trường có ý kiến như vậy nên chúng tôi có công văn gửi lên cấp trên đề nghị xem xét, mong muốn sớm có Nghị định hướng dẫn để thực hiện được Luật GDĐH sửa đổi, các trường được tự chủ, HĐT đi vào hoạt động thực chất, có quyền lực thì mới chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc điều hành, quản lý, xây dựng nhà trường.
Nhiều ý kiến lo lắng ngay cả khi ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật thì việc triển khai tự chủ của các trường cũng không dễ dàng, thưa ông?
– Tất nhiên là lo lắng nhưng một khi mình có thiết chế cụ thể, cơ chế để các trường làm mà họ không làm, làm không đúng thì sẽ phạt. Giờ các trường chưa làm, họ nói rằng là do không có thiết chế cụ thể nên không làm là đúng.
Luật phải đi trước. Quy định đưa ra không hợp lý thì mình phải sửa. Mình chưa thể tiên đoán được việc đó. Có luật rồi nhưng trường vi phạm sẽ bị phạt, chẳng hạn chấm dứt bao cấp cho nhà trường thì họ sẽ phải giải tán thôi.
Hiện vẫn chưa ban hành được Nghị định thì phải xem vướng mắc ở chỗ nào? Cần rà soát lại để sớm có Nghị định. Còn khi đã có Nghị định, đó là nguyên tắc nhưng phải xem xét trường nào có thể thực hiện được, cần các yếu tố nào? Không thể tự nhiên nói tự chủ là tự chủ ngay được. Cần có lộ trình từng bước nhưng phải thực hiện ngay bởi đường không đi thì không bao giờ tới. Chúng ta có khoảng 400 trường ĐH, CĐ nên đây sẽ là vấn đề lớn. Chúng ta mới đang thí điểm 23 trường thôi, nên bước đi có lẽ còn rất dài…
Chẳng hạn trường nghệ thuật lâu nay một lớp chỉ có ít học sinh, thầy có khi nhiều gần bằng trò… Vậy những trường này muốn thực hiện tự chủ chắc cũng rất khó khăn vì liên quan đến quỹ lương nữa… Một ví dụ như vậy để thấy không phải cứ ban hành được Luật GDĐH, ban hành được Nghị định là các trường ngay lập tức tự chủ được.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.
Trong Luật GDĐH sửa đổi còn bao gồm rất nhiều vấn đề khác, không chỉ vấn đề tự chủ của các trường. Nghị định hướng dẫn cũng cần bao quát hết tất cả, thưa ông?
– Từ khi Luật mới có hiệu lực, 1/7/2019 thì điểm mới trong đó là tập trung vào tạo điều kiện để thành lập HĐT để thực hiện tự chủ. Còn trong đó cũng bao gồm quản lý hệ thống GD ĐH, CĐ cũng đang còn mắc mớ. Chẳng hạn ở các nước nói chung CĐ và ĐH nằm trong một hệ thống nhưng Luật sửa đổi nhưng hệ CĐ đã tách riêng ra do Bộ LĐTBXH quản lý. Vậy vấn đề liên thông của nó sẽ ra sao khi do 2 bộ quản lý khác nhau? Chương trình khác nhau nên chắc chắn sẽ có khó khăn khi người học muốn liên thông.
Còn nhiều vấn đề nữa như hệ thống giáo dục mở mà Luật chưa bao quát hết được nên trong thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung thôi… Trước mắt cứ gỡ tự chủ trước đã rồi dần dần sẽ sáng rõ hơn. Khi các trường thực hiện chắc chắn sẽ còn có những vướng mắc phát sinh, chúng ta cứ gỡ từ từ, một lúc cũng không gỡ nổi đâu…
Chẳng hạn tự chủ sẽ làm sáng rõ hơn vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Nếu các trường tự chủ thì các trường có thể mở thêm trường phổ thông vì sẵn giáo viên, sẵn cơ sở vật chất… Họ tự nuôi mình được và khi đủ điều kiện sẽ phát triển…
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hương (thực hiện)