Tổng Bí thư yêu cầu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động

Sáng ngày 8/10, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 – 2024. Tổng Bí thư yêu cầu, thời gian tới tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Dự báo tăng trưởng GDP của cả nước đạt trên 5%

Khái quát những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong năm qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%…

Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm tăng gần 5% với khoảng 110 nghìn tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa 659 km đường bộ cao tốc vào sử dụng và đang tiếp tục hoàn thành, khởi công nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước…

Tổng Bí thư phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13

Dự báo đến hết năm nay (2023), tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,5% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu, khoảng 4,5%).

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỉ USD, trong đó, xuất siêu khoảng 15 tỉ USD.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân…

Lưu ý trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít những hạn chế, yếu kém và nhiều khó khăn, thách thức lớn, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và mục tiêu, nhiệm vụ đã được Trung ương thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất đề ra trong kết luận của hội nghị lần này.

Trong đó, tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời có những quyết sách phù hợp, hiệu quả; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa 13.

Tổng Bí thư yêu cầu, Ban cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo, bảo đảm chất lượng, sát hợp với thực tế và có tính khả thi cao trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính sách xã hội thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 11 một số vấn đề về chính sách xã hội, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với trước.

Nổi bật là, nghị quyết mới đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Hội nghị lần này đã bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới. Cụ thể là khẳng định, chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người là trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch Covid-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chính sách xã hội cần được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó là phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhân ái, nghĩa tình, “thương người như thể thương thân” của Nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Về mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Tổng Bí thư cho hay, Trung ương đã thống nhất cao xác định mục tiêu đến năm 2030 và Định hướng đến năm 2045 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Đồng thời, đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mới, sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.

Nguồn: Molisa.gov.vn